THẮC MẮC

Đau bụng quanh rốn sau khi tẩy giun

Xin hỏi bác sĩ. Cháu gái nhà em 11 tuổi. Cháu bị đau bụng quanh rốn thường xuyên, nhất là buổi sáng, không uống sữa hay nước được. em tẩy giun đúng quy định 6 thang. Vì lúc nhỏ cháu bị 1 lần xét nghiệm: 99% là trứng giun. Em vừa tẩy cho cháu được 3 tháng thì cháu lại đau như thế. Đi khám không có vấn đề gì cả. Bác sĩ về tẩy giun tiếp. Song 1 tháng sau cháu lại đau như thế. Nhưng đợt này phân của cháu màu nâu đồng, nát. Cháu giống em thường xuyên bị đầy bụng hơi (đau kiểu ngộ độc). Cháu bắt đầu có hiện tượng của sự trưởng thành. Vậy mong bác sĩ giúp đỡ xem cháu bị làm sao. Cảm ơn bác sĩ.

Tư vấn

Chào bạn
Vùng quanh rốn là định khu của ruột non, giun đũa thường cư trú ở đây và nếu nhiều cuộn thành búi gây đau bụng. Tính chất của đau bụng là từng cơn, khi đau bụng nổi gồ lên thành từng cục từng cuộn do búi giun và nhu động ruột tăng cường (cảm giác như có cuộn thừng cuộn chão trong bụng), thường không có nôn hoặc buồn nôn, cho uống nước đường cơn đau dịu đi nhanh, thời điểm đau vào bất kể thời gian nào trong ngày,
Việc xét nghiệm có trứng giun trong bụng cũng chưa thể kết luận đau bụng này là do giun, có thể có nhiều nguyên nhân khác như: viêm ruột mãn, lao ruột , hội chứng ruột kích thích…
Hội chứng ruột kích thích: Đau quặn từng cơn hoặc khó chịu chướng bụng, sau khi đại tiện các triệu chứng này giảm, thay đổi hình dạng khuôn phân, màu sắc phân, thay đổi số lần đại tiện, đầy bụng chướng hơi không có nguyên nhân rõ ràng và lại tự lui…
Quy trình tảy giun 6 tháng 1 lần là đối với người bình thường, đối với người có nhiều giun hoặc cơ địa ái tính với giun thì có thể năm tảy tới 4 lần vì thuốc tảy giun hiện nay là Mebendazon không có độc tính như những thuốc trước đây, thuốc ngấm rất ít vào máu, 90-95 % đào thải qua phân, thuốc tác dụng vào vi cấu trúc hình ống trong bào chất của ký sinh trùng làm giun sán chết, không có ảnh hưởng đến vật chủ mang ký sinh trùng (người)
Như vậy: Nếu con bạn có những biểu hiện rõ ràng của đau bụng giun thì tiếp tục tảy giun cho cháu (vì thuốc không có qui định khoảng cách 2 lần tảy giun). Nếu các biểu hiện đau bụng giun không rõ ràng thì có thể là hội chứng ruột kích thích, bệnh có liên quan đến hệ thống thần kinh thực vật cho nên có tính thời điểm đau trong ngày. Việc điều trị căn bệnh này cần phải khám xét rất kỹ lưỡng bằng các thủ thuật thăm dò hiện đại tìm rõ căn nguyên; mặt khác bệnh lại có trường hợp tự ổn định cho nên có thể bạn áp dụng biện pháp sau:
Cho cháu uống thuốc bảo vệ săn bọc niêm mạc ruột nhằm hạn chế những tác nhân kích thích có thể ở tại ngay niêm mạc ruột như: Gastrofulgite (ngày uống 2 gói), Maalox (ngày uống 4 viên).., thời gian uống kéo dài từng đợt 10-15 ngày, đồng thời mỗi khi đau bụng có thể day chườm và động viên cháu đi đại tiện.
Cháu 11 tuổi bắt đầu dạy thì là bình thường, bạn cần tìm hiểu những thay đổi tâm sinh lý tuổi dạy thì để có biện pháp giúp đỡ cháu kịp thời.
Chúc bạn nuôi con mạnh khỏe