THẮC MẮC

Đau bụng sau bữa ăn thì bị làm sao?

Cháu chào Bác sĩ! Cháu là nữ, năm nay 22 tuổi. 2 năm trước cháu bị tức ngực, khó thở có đi khám ở bệnh viện Bạch Mai, Bác sĩ bảo cháu bị Viêm phế quản và trào ngược thực quản. Sau đó cháu có uống thuốc theo đơn của Bác sĩ cho. Nhưng thi thoảng cháu thấy bị đau bụng, phần dưới xương sườn, lúc đau cảm giác hơi bị sưng. Cháu ít khi bị như vậy, thường bị khi ăn no. Có lần cháu đi đường bị đau như thế không đi bộ được nữa, phải ngồi hơn nửa tiếng mới đỡ đau thì đi về nhà. Gần đây, cháu thường xuyên bị đau như vậy, cũng đau sau khi ăn. Nhiều người bảo đau dạ dày nhưng cháu thấy chỉ bị đau thôi chứ không có biểu hiện gì khác cả. Cháu đi làm được 2 tháng, làm văn phòng ngồi nhiều và ăn trưa xong thì đi ngủ luôn nên cháu nghĩ vì thế mà hay bị đau hơn. Bác sĩ cho cháu hỏi như vậy thì có thể là cháu bị làm sao ạ? Có thể tự mua thuốc điều trị ở nhà được không vì cháu không có thời gian đi khám ở bệnh viện. Mong bác sĩ giải đáp giúp cháu. Cháu xin cám ơn!

Tư vấn

Chào bạn!
Có thể bạn bị viêm loét dạ dày tá tràng hoặc bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản.
Nguyên nhân gây bệnh viêm loét dạ dày tá tràng là do sự mất cân bằng giữa yếu tố tấn công và bảo vệ ở niêm mạc dạ dày, gây tổn thương niêm mạc dạ dày. Các yếu tố tấn công thường gặp là acid clohydric, pepsin, vi khuẩn HP, các thuốc corticoid, các thuốc non-steroide, rượu, cà phê, thuốc lá, tình trạng stress. Các yếu tố bảo vệ của dạ dày bao gồm lớp niêm mạc, hệ thống mạch máu, chất nhầy mucin, các yếu tố prostaglandin nội sinh.
Đau là triệu chứng hay gặp nhất ở bệnh nhân có hội chứng dạ dày - tá tràng.
Vị trí đau thường gặp nhất là vùng thượng vị (trên rốn), đau âm ỉ hoặc đau dữ dội. Đau âm ỉ có khi kéo dài từ vài tháng đến vài ba năm, có khi hàng chục năm. Nhiều bệnh nhân đau có tính chất chu kỳ (một chu kỳ khoảng từ một tuần đến vài tuần trở lên) và thường xảy ra vào lúc giao mùa, đặc biệt là mùa rét.
Đôi khi trạng thái thần kinh căng thẳng, lo lắng, sau ăn thức ăn chua, cay (ớt, rượu) cũng làm cơn đau xuất hiện hoặc đau kéo dài. Tính chất đau của viêm hoặc loét dạ dày - tá tràng nhiều khi khó phân biệt nhưng mới bị viêm thì ăn vào cơn đau sẽ tăng lên, còn loét thì khi đói cơn đau sẽ xuất hiện hoặc đau xuất hiện bất cứ lúc nào, no, đói đều đau.
Bệnh trào ngược dạ dày - thực quản là tình trạng trào ngược từng lúc hay thường xuyên của dịch dạ dày lên thực quản, do tính chất kích thích của các chất dịch trong dạ dày như: HCl, pepsine, dịch mật... đối với niêm mạc thực quản, gây ra các triệu chứng và biến chứng tại thực quản.
Các triệu chứng mà người bệnh than phiền, gây khó chịu gây ra bệnh cảnh bao gồm: ợ nóng, trớ và nuốt khó.
Ợ nóng: cảm giác gây ra do trào ngược dịch dạ dày lên thực quản. Niêm mạc thực quản bị kích thích bởi HCL hoặc dịch mật trong dịch dạ dày làm người bệnh có cảm giác nóng rát lan từ thượng vị lên dọc sau xương ức, có khi lan đến vùng hạ họng hoặc lên tận mang tai. Trường hợp điển hình, chứng ợ nóng xuất hiện sau bữa ăn và theo tư thế cúi gập người về trước, hoặc những cơn ho ban đêm do tư thế nằm. Các triệu chứng trên tăng khi uống rượu, uống nước chua.
Trớ: sự ựa ngược dịch đọng trong thực quản, ngay trên phần bị nghẽn tắc. Trớ thường xảy ra do thay đổi tư thế hay một sự gắng sức. Dịch trớ thường không mùi vị, không chua và có thể lẫn thức ăn chưa tiêu hóa.
Nuốt khó: rất đa dạng, có thể do nuốt khó với chất lỏng là chính, liên quan đến co thắt dưới thực quản, hoặc có thể nuốt khó thật sự với chất đặc có hay không kèm theo nuốt đau. Triệu chứng nuốt khó cần phân biệt một số bệnh lý tại thực quản như: ung thư thực quản, cần phải chụp X-quang, chụp CT-Scan vùng ngực và nội soi thực quản để xác định. Ngoài ra, một số các dấu hiệu khác cũng có giá trị xác định như cảm giác vướng vùng họng, hay sặc khi nuốt, ho khan kéo dài không có nguyên nhân.
Trường hợp của bạn, bạn nên đi soi dạ dày để kiểm tra. Nếu không có điều kiện đi khám bệnh, bạn có thể điều trị tạm thời bằng các thuốc sau: nexium 40 mg ngày một viên, nospa 40 mg ngày 4 viên. Nếu bệnh đỡ thì khả năng nhiều là bạn bị viêm dạ dày. Tuy nhiên để điều trị triệt để bạn vẫn phải đi khám sớm. Vì để điều trị bạn cần phải nội soi, làm xét nghiệm vi khuẩn HP, đánh giá mức độ tổn thương, tầm soát và loại trừ ung thư sớm. Do đó việc khám xét là cần thiết.
Chúc bạn mạnh khỏe!