THẮC MẮC

Dấu hiệu của bệnh trĩ là cục thịt thừa ở hậu môn?

Em năm nay 27 tuổi, hiện đang mang thai được 6 tháng năm ngoái em về quê 4 ngày vẫn ăn uống nhiều chất xơ nhưng không đi đại tiện được. Về nhà lại em mới đi nhưng ngồi đến 45 phút mới đi được, qua mấy ngày hôm sau em mới thấy gần cuối hậu môn lòi ra cục thịt nhìn kỹ thì thấy nhiêu hậu môn bị lòi chứ không phải chính giữa lỗ hậu môn lòi. Mỗi lần đi tắm hoặc đi đại tiện xong em đẩy vào nhưng sau lại thấy nó lòi ra, trước giờ em không bị táo bón hoặc đi ra máu đến hiện giờ em vẫn đi bình thường, cũng không bị đau rát sau mỗi lần đi. Thưa bác sỹ, như vậy em có phải bị bệnh trĩ không? Em có thể khám ở bệnh viện nào ở TP HCM? Cám ơn bác sỹ.

Tư vấn

Chào bạn!
Theo các biểu hiện bạn mô tả, bạn có thể đang bị bệnh trĩ.
Bệnh trĩ là sự phồng lớn của các tĩnh mạch trĩ nằm ở quanh ống hậu môn do hệ tĩnh mạch bị suy yếu, tạo nên búi trĩ. Bệnh trĩ biểu hiện qua các triệu chứng chính như: Chảy máu, sa búi trĩ, ngoài ra có thể kèm đau, ngứa, rát hậu môn,…
Bệnh trĩ chia ra làm hai loại chính là trĩ nội và trĩ ngoại.
Đặc điểm của trĩ nội:
• Xuất phát ở bên trên đường lược
• Bề mặt là lớp niêm mạc của ống hậu môn
• Không có thần kinh cảm giác
• Diễn tiến và biến chứng: chảy máu, sa, nghẹt, viêm da quanh hậu môn.
Tuỳ theo diễn tiến, được phân thành bốn độ:
• Độ 1: mới hình thành, chảy máu là triệu chứng chính
• Độ 2: búi trĩ sa ra ngoài khi đi tiêu nhưng tự lên
• Độ 3: búi trĩ sa ra ngoài khi đi tiêu, phải đẩy mới lên được
• Độ 4: búi trĩ sa ra ngoài thường trực và có thể bị thắt nghẹt, dẫn đến hoại tử
Đặc điểm của trĩ ngoại:
• Xuất phát bên dưới đường lược
• Bề mặt là lớp biểu mô lát tầng
• Có thần kinh cảm giác
• Diễn tiến và biến chứng: đau (do thuyên tắc), mẩu da thừa
Trường hợp của bạn có thể là bị trĩ nội độ 3 tức là búi trĩ sa ra ngoài khi đi tiêu, phải đẩy mới lên được. Nguyên nhân có thể do bạn đã quá cố gắng để đi tiêu trong lần bị táo bón trước, kết hợp với sự gia tăng ap lực lên bụng trong khi mang thai làm tăng áp lực lên các tĩnh mạch hậu môn. Để điều trị bệnh, có thể dùng phương pháp phẫu thuật hoặc điều trị nội khoa bằng thuốc uống và thuốc đặt hậu môn nếu bệnh có kèm theo viêm nhiễm. Tuy nhiên, vì bạn đang mang thai nên việc điều trị lúc này chỉ là dùng thuốc kết hợp với thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt.
Bạn cần ăn nhiều chất dinh dưỡng có chứa chất xơ như trái cây, rau quả, các loại rau ăn hằng ngày có tác dụng nhuậntràng nhằm giảm thiểu đau đớn khi đi tiêu. Ngoài ra nên uống nhiều nước hàng ngày khi điều trị, tránh ăn các đồ ngọt, cay, nóng, uống các chất kích thích gây hại đường ruột. Tránh làm những động tác nặng, không ngồi hay đứng quá lâu, co gồng hậu môn sẽ giảm thiểu được tình trạng chảy máu búi trĩ do căng giãn các tĩnh mạch bên trong. Giữ vệ sinh hằng ngày sau khi đi tiêu, nên ngâm với nước ấm có pha với muối.
Bạn nên đi khám bác sĩ để được tư vấn dùng những thuốc không ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi.
Chúc bạn mạnh khỏe!