THẮC MẮC

Đau thắt bụng vùng trên kèm buồn nôn là bệnh gì?

Thưa Bác sĩ! Cháu năm nay 17 tuổi. Dạo gần đây cháu hay bị những cơn đau vùng trên bụng đau quặn thắt đau lên từ cơn sáng sớm tầm 4h30 - 5h. trưa tầm 10h30 - 13h. Khi ăn sáng xong thấy đau âm ỉ, đến khi ăn trưa ăn 1 miếng cũng có cảm giác nôn mửa. Cháu không có hiện tượng ợ chua. Trước cháu hay bị dị ứng thời tiết mỗi khi trời trở lạnh. Dạo gần đây bị đau bụng thì cháu không thấy bị dị ứng nữa. Bác sĩ cho cháu hỏi cháu bị bệnh gì và nên làm gì ạ? Cháu xin chân thành cảm ơn.

Tư vấn

Chào bạn!
Những triệu chứng bạn mô tả có thể là triệu chứng của bệnh lý dạ dày tá tràng. Trong bệnh lý này, bệnh nhân thường cảm giác đau ngay ở thượng vị, ngay dưới mũi ức hoặc cách xa mũi ức lệch về bên phải hoặc bên trái. Cảm giác đau tùy thuộc vào người bệnh, có người cảm giác đau tức, có người cảm giác đau rát bỏng hay nóng, hay đau âm ỉ, tuy nhiên người bệnh không có cảm giác đau quặn. Cơn đau có thể lên ngực hay lan ra sau lưng hoặc không lan.
Thời gian đau tùy thuộc vào thời gian mắc bệnh của người bệnh, trong giai đoạn đầu người bệnh thường có cơn đau kéo dài một đến hai tuần, đau thường tái đi tái lại và bệnh nhân thường dự báo được đợt đau tiếp theo (khi thay đổi thời tiết, chuyển mùa…). Lâu hơn bệnh nhân trở nên đau liên miên.
Một điều cần chú ý đối với bệnh nhân mắc bệnh dạ dày tá tràng là cơn đau thượng vị thường có tính chất chu kỳ và có liên quan đến bữa ăn. Đau thượng vị có tính chất chu kỳ thường gặp ở bệnh loét dạ dày tá tràng, tuy nhiên đối với các bệnh lý như viêm dạ dày hay ung thư dạ dày, bệnh nhân thường đau bụng không có tính chất chu kỳ nữa mà đau liên miên suốt cả ngày.
Bữa ăn có ảnh hưởng rõ rết đến cơn đau thượng vị, bữa đau có thể làm tăng cơn đau hoặc khi ăn vào bệnh nhân lại cảm giác cơn đau đỡ đi, ví dụ như bệnh nhân bị loét hành tá tràng: cơn đau thường xảy ra lúc đói, ăn một chút thức ăn (bánh quy, hay một ít cơm) bệnh nhân cảm giác hết đau. Ngược lại với bệnh nhân bị loét dạ dày, lúc đói bệnh nhân không cảm giác đau thượng vị, nhưng khi ăn vào cơn đau thượng vị lại tăng lên.
Bạn cần đi khám chuyên khoa tiêu hóa để xác định bệnh. Trước mắt để khắc phục tình trạng đau bạn nên điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý. Bạn cần ăn thức ăn lỏng, mềm. Bạn không nên để bị đói và không ăn quá no, nên chia nhiều bữa nhỏ trong ngày, cần tránh rượu, thuốc lá, tránh căng thẳng thần kinh, tránh thức khuya.
Chúc bạn mạnh khỏe!