THẮC MẮC

Đi khám bướu cổ, thì tiện hỏi bác sĩ thì bác sĩ cho uống 5 ngày thuốc Domitazol, medopire thì thấy hết tiểu rát phải làm sao?

Chào bác sĩ, dạo gần đây cháu đi đại tiện ra dịch nhầy màu trắng gần giống như tinh trùng, khi cháu đi khám bướu cổ, thì tiện hỏi bác sĩ thì bác sĩ cho uống 5 ngày thuốc Domitazol, medopire thì thấy hết tiểu rát nhưng lúc rặn đại tiện vẫn ra dịch nhưng ít hơn chỉ 1,2 giọt. Mong bác sĩ tư vấn giúp cháu.

Tư vấn

Chào bạn!
Đi ngoài ra chất nhầy có thể do thức ăn bị nhiễm khuẩn, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm gây ra viêm niêm mạc đường ruột hoặc do bản thân bệnh lý có sẵn trong đường ruột gây ra (ung thư, Crohn..). Tình trạng đi ngoài có chất nhầy thỉnh thoảng mới xuất hiện và không kéo dài ít nguy hiểm hơn và có thể do các nguyên nhân sau:
- Cơ thể rơi vào tình trạng mất nước: Lúc này cơ thể sẽ sản xuất ra nhiều chất nhầy hơn để chống lại sự thiếu hụt nước cho các bộ phận. Chất nhầy trong ruột non sẽ được sản xuất nhiều nhất, do đó khi lượng chất nhầy này được sản xuất ồ ạt sẽ nhanh chóng theo phân ra ngoài vì không đủ chỗ chứa trong ruột. Đây là tình trạng cơ thể mất nước trầm trọng, khiến cơ thể suy kiệt, da xanh xao, thậm chí là sút cân. Những người rơi vào tình trạng này rất dễ đi đại tiện có chất nhầy.
- Dị ứng thực phẩm: Một số trường hợp do ăn các loại thực phẩm như lactose, các loại hạt... có thể gây ra hiện tượng đi ngoài ra chất nhầy ở các bệnh nhân có bệnh lý không hấp thu được lactose.
- Bệnh Trĩ: Bệnh trĩ là một loại bệnh khá phổ biến và có 3 dạng chính là: Trĩ nội, trĩ ngoại và trĩ hỗn hợp. Những đám rối tĩnh mạch bị giãn nở quá mức hình thành nên búi trĩ. Nếu người bệnh không chữa trị kịp thời có thể dẫn tới tình trạng: Thiếu máu, viêm nhiễm hậu môn, tắc búi trĩ, ung thư trực tràng…
- Nứt hậu môn:Là một vết rách trong lớp lót của trực tràng. Nguyên nhân có thể là do tiêu chảy liên tục, táo bón hoặc các tình huống ruột khó khăn khác. Nứt hậu môn có thể gây đi ngoài đau và đi ngoài sẽ kéo theo chất nhầy ở trực tràng ra ngoài.
- Áp Xe Hậu Môn: Là một loại viêm nhiễm tại vùng hậu môn, khiến các mô mềm vùng quanh hậu môn trực tràng bị sưng tấy và tụ mủ. Nếu không được điều trị sớm việc đi ngoài ra máu có chất nhầy có thể dẫn tới nhiễm trùng, hoại tử, viêm nang lông, rò hậu môn. Ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh.
- Rò Hậu Môn: Là loại bệnh xuất hiện do biến chứng từ bệnh áp xe hậu môn gây ra làm cho hậu môn có chất nhầy hoặc đi ngoài ra chất nhầy mầu vàng. Rò hậu môn làm xuất hiện mụn mủ nổi lên, nặn ra sẽ chảy mủ, ngứa ngáy, xì hơi, phân rỉ qua các lỗ rò và đi ngoài ra chất nhầy trắng. Người bệnh nếu không điều trị có thể gây hoại tử, nặng hơn là ung thư trực tràng.
- Táo bón kéo dài: Khi bị táo bón mạn tính có thể gây ra tổn thương niêm mạc đường ruột và sinh ra chất nhầy đi kèm phân táo. Khi bị táo bón, phân cứng nên thường cọ xát vào thành ruột gây đau rát. Khi được thải ra ngoài, phân có thể có lẫn chất nhầy màu trắng hoặc có tia đỏ. Chất nhầy màu đỏ là do phân vón cục và quá cứng va chạm làm tổn thương thành ruột gây chảy máu. Táo bón có thể do ăn các loại thức ăn khó tiêu, chứa nhiều tanin. nhưng nếu táo bón lâu dài, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe nói chung.
- Ung thư hậu môn trực tràng: Nếu đi ngoài ra chất nhầy là do nguyên nhân bị ung thư vùng hậu môn trực tràng thì đây là tình trạng khá nguy hiểm. Phân ở người bệnh ung thư vùng hậu môn trực tràng thường dẹt và lẫn chất nhầy màu trắng đục. Tuy nhiên biểu hiện này chỉ xuất hiện trong một thời gian ngắn và sau đó nó tự mất đi, đồng thời lúc này các cơ quan vẫn hoạt động bình thường. Nếu thấy hiện tượng này, bạn nên đi khám để sàng lọc ung thư đại trực tràng, bởi rất có thể đó là dấu hiệu ung thư đại trực tràng ở giai đoạn sớm.
- Viêm loét đại tràng: Đại tràng bị viêm loét nghĩa là khi đó các tế bào niêm mạc đại tràng bị tổn thương, lượng chất nhầy được tiết ra bất thường, tùy vào từng tình trạng bệnh mà lượng chất nhầy tiết ra là nhiều hay ít.
- Viêm ruột non: Niêm mạc ruột bị tổn thương, tuyến tiết trên niêm mạc sẽ tăng tiết chất nhầy. Chất nhầy di chuyển theo thực phẩm từ ruột non đến đại tràng, sau đó ra ngoài theo đường phân.
- Viêm ruột cấp tính: Khi các tế bào niêm mạc ruột bị viêm, chất nhầy sẽ được tiết ra nhiều hơn do tình trạng ruột bị viêm do các vi khuẩn, virus, độc tố, một số bệnh tự miễn...
Hội chứng ruột kích thích: Hội chứng ruột kích thích là tình trạng các hoạt động của ruột bị kích thích, do đó chất nhầy cũng sản xuất ra nhiều hơn bình thường.Đi ngoài phân có nhầy do nhiều nguyên nhân gây ra, nếu thấy tình trạng này không có dấu hiệu cải thiện trong vài tuần, người bệnh nên đến cơ sở y tế thăm khám nhằm chẩn đoán chính xác tình trạng, mức độ từ đó có phương án can thiệp kịp thời, hiệu quả.
Thông thường việc chữa trị tình trạng đi ngoài ra chất nhầy trắng cần phải được chẩn đoán nguyên nhân, từ đó mới đưa ra phác đồ thích hợp. Trong trường hợp có liên quan đến bệnh viêm loét đại tràng, viêm loét trực tràng, viêm ruột non… bác sĩ kê đơn thuốc uống. Nếu nghiêm trọng hơn có thể phải can thiệp bằng phẫu thuật. Bạn nên sớm đi khám chuyên khoa tiêu hóa tại bệnh viện uy tín để được chẩn đoán bệnh chính xác và tư vân điều trị bệnh.
Chúc bạn sức khỏe!