THẮC MẮC

Dị ứng da lâu ngày

Chào các Bác sĩ. Em là nam, 25 tuổi, 3 tháng trước sau khi chuyển nhà em bị dị ứng da, nổi đỏ, ngứa, khi cào nhẹ hoặc tắm, sau khi đi khám và uống thuốc thì có đỡ nhưng không khỏi hẳn, ngày nào em cũng phải uống cetirizine dihydro cloride thì mới không bị ngứa nhưng sau khi tắm xong vẫn bị nổi đỏ sau khoảng 15 phút mới lặn. Em muốn hỏi e có thực sự bị viêm da dị ứng không và phải khám/chữa, uống thuốc gì để có thể khỏi dứt điểm bệnh này. Em cũng không biết em dị ứng gì trong 3 lựa chọn dị ứng thuốc, dị ứng thực phẩm, sốc phản vệ ở dưới nên em chọn tạm dị ứng thực phẩm. Em xin cảm ơn!

Tư vấn

Chào bạn!
Viêm da dị ứng là bệnh mạn tính về da, đây tình trạng da đáp ứng quá mức đối với các dị nguyên trong môi trường. Viêm da dị ứng khá phổ biến, đặc biệt ở các nước có khí hậu khô.
Các biểu hiện thường gặp nhất của viêm da dị ứng là da khô và ngứa, phát ban trên mặt, cổ, khuỷu tay, đầu gối, bàn tay, bàn chân,…. Việc gãi xước da có thể gây tấy đỏ, sưng, nứt, rỉ dịch, tạo vảy, dày da, tróc vảy,… khiến người bệnh rất khó chịu.
Viêm da dị ứng là một bệnh phức tạp do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó có vai trò của yếu tố di truyền và yếu tố môi trường.
Để chẩn đoán viêm da dị ứng phải dựa vào triệu chứng và tiền sử tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng (thực phẩm, mạt bụi, mốc, phấn hoa, lông chó mèo, khói, hơi, thuốc,…). Đồng thời làm các test về dị ứng (test áp, test lẩy da,…), định lượng IgE huyết thanh,...
Trường hợp của bạn, theo mô tả đã khám và điều trị theo hướng viêm da dị ứng là hợp lý. Tuy nhiên, với viêm da dị ứng thì phải phối hợp nhiều biện pháp, gồm bôi các thuốc mỡ tại chỗ giúp giảm tình trạng dị ứng (mỡ corticoid), mỡ giảm tình trạng da khô (nên chọn loại kem trung tính, không có chất thơm và chất bảo quản, nhưng chỉ nên bôi vùng da khô, không chảy nước, kích ứng mạnh), uống kháng sinh khi có nhiễm trùng, thuốc chống ngứa (kháng histamin), uống thuốc ức chế hệ miễn dịch (corticoid, cycloporin A). Ngoài ra, có thể sử dụng các biện pháp khác như liệu pháp ánh sáng, hoặc kết hợp với psoralen, giải mẫn cảm đặc hiệu,… Tất cả điều trị trên cần tuân thủ chặt chẽ theo chỉ định của bác sỹ chuyên khoa.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần quan tâm tới các yếu tố khiến bệnh nặng thêm như tiếp xúc sợi len, sợi nhân tạo, xà phòng và chất tẩy rửa, một số loại nước hoa và mỹ phẩm, các dẫn chất clo, bụi bẩn, khói thuốc lá, khi hậu khô, nhiễm trùng,… Yếu tố tâm lý cũng đóng vai trò đáng kể (căng thẳng, lo âu, giận dữ, thất vọng,…), có thể khiến viêm da nặng thêm.
Tóm lại, với trường hợp của bạn, việc rà soát để tránh các yếu tố gây khởi phát viêm da dị ứng và các yếu tố khiến bệnh nặng thêm đóng vai trò quan trọng giúp cải thiện tình trạng bệnh. Trường hợp bệnh không thuyên giảm, bạn nên tới khám tại cơ sở y tế chuyên khoa về dị ứng (như trung tâm dị ứng miễn dịch lâm sàng) hoặc chuyên khoa da liễu để nhận thêm tư vấn và điều trị thích hợp.
Thân ái!