THẮC MẮC

Điều trị bệnh trĩ bằng thuốc có tốt không?

Chào Bác sĩ! Cháu năm nay 26 tuổi. Khi mang thai và sau khi sinh em bé xong cháu có trình trạng hậu môn bị lòi ra khoảng 0,7 cm. Cháu không đi khám nhưng qua tìm hiểu thì cháu nghĩ mình đã bị bệnh trĩ. Vì nhiều lý do nên cháu rất ngại đi khám. Vậy bác sĩ cho cháu hỏi có loại thuốc nào chữa trị hiệu quả bệnh không ạ? Cháu mong sự tư vấn của bác sĩ. Cháu đã mấy lần gửi các thắc mắc của mình và đã được các Bác sĩ trả lời rất chi tiết. Qua đây cháu xin cảm ơn các bác sĩ đã nhiệt tình trả lời các câu hỏi của cháu cũng như các bạn đã gửi câu hỏi về chương trình. Chúc các bác sĩ sức khỏe để hoàn thành tốt công việc và giúp đỡ cho bệnh nhân. Cảm ơn Bác sĩ!

Tư vấn

Chào bạn!
Trước hết bạn cần biết một số nguyên nhân gây bệnh trĩ ở phụ nữ sau sinh là:
- Sau khi sinh, tử cung mở to, tăng áp lực khoang chậu, tụ máu sưng phù tĩnh mạch ở phần hậu môn, gây ra bệnh trĩ.
- Trong quá trình vượt cạn, việc rặn không đúng cách làm tăng áp lực lên ổ bụng, khiến búi trĩ dễ sa ra ngoài.
- Ngoài ra, sau khi sinh, một số sản phụ thực hiện chế độ ăn uống kiêng khem như: ít ăn rau (sợ nhiễm giun), không uống nhiều nước (để sữa cho con bú không bị loãng)… Đấy chính là những yếu tố dẫn đến bệnh trĩ.
- Phụ nữ sau khi sinh nếu phải thường xuyên đứng lâu, ngồi nhiều (ít thay đổi tư thế), ít di chuyển, nguy cơ mắc bệnh càng cao hơn.
Bệnh trĩ nếu để lâu sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày. Việc điều trị phụ thuộc vào mức độ của bệnh. Vì vậy tốt nhất là bạn nên đi khám bác sĩ để được tư vấn điều trị. Chúng tôi chỉ có thể khuyên bạn một số cách khắc phục bệnh trĩ tại nhà như sau:
- Nghỉ ngơi trên giường khoảng 1 ngày hoặc nhiều hơn. Điều này giúp giảm áp lực cho các tĩnh mạch bị viêm. Nằm sấp với với một cái gối dưới hông của bạn sẽ giúp đỡ trong việc giảm sưng tấy do trĩ…
- Môi trường quá ẩm ướt có thể làm trầm trọng thêm bệnh trĩ. Để ngăn chặn điều này, bạn nên mặc quần lót bằng vải cotton. Ngoài ra, mặc quần rộng và thoải mái để tránh áp lực lên búi trĩ.
- Tránh nâng vật nặng.
- Không ngồi hoặc đứng trong thời gian dài do điều này có thể kích thích căn bệnh. Tuy nhiên, nếu bạn bắt buộc phải ngồi thì hãy ngồi trên ghế đệm.
Ngoài ra bạn cũng cần ngăn chặn các yếu tố thuận lợi phát sinh bệnh trĩ bằng cách:
- Tránh ngồi trong nhà vệ sinh quá lâu
- Ngăn ngừa táo bón bằng cách tăng cường hấp thu chất xơ và uống nhiều nước.
- Tránh đứng hoặc ngồi quá lâu một chỗ.
- Tập thể dục thường xuyên
Chúc bạn mạnh khỏe!