THẮC MẮC

Điều trị dị ứng cơ địa ở trẻ em

Chào bác sĩ, con trai tôi được 44 tháng nặng 13.5kg. Khoảng 2 tuần nay cứ khoảng 7-8 h tối cháu lại bị nổi mề đay, ban đầu là những nốt nhỏ, sau cháu gãi thì nổi thành từng mảng nổi rõ trên da, đến sáng thì hết có chỗ để lại nốt thâm tím. Tôi có cho con đi Bác sĩ thì bảo cháu bị dị ứng cơ địa nên kê cho uống thuốc giải độc gan Arginin nhưng không đỡ. Xin Bác sĩ tư vấn giúp là cháu bị bệnh gì và làm thế nào để chữa khỏi?

Tư vấn

Chào bạn!
Con bạn hay bị mẩn ngứa khắp toàn thân mỗi khi thời tiết thay đổi, đó là do dị ứng thời tiết. Dị ứng là bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi, xảy ra quanh năm, nhưng đặc biệt gặp nhiều vào những thời điểm chuyển mùa, thay đổi nhiệt độ đột ngột. Mùa này, nhiều loại hoa nở làm phát tán vào không khí nhiều phấn hoa, các loại côn trùng, vi sinh, nấm mốc gây bệnh phát triển mạnh... là những tác nhân gây dị ứng.
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị dị ứng thời tiết nhiều nhất khi chuyển mùa, từ nóng sang lạnh và từ lạnh sang nóng. Dấu hiệu dị ứng của trẻ chủ yếu là da nổi mẩn đỏ và ngứa. Dị ứng thời tiết ở trẻ thường do cơ địa dị ứng, không có cách chữa trị tận gốc, triệt để, tuy nhiên cũng có các biện pháp giúp làm giảm tình trạng bệnh cho trẻ. Khi thời tiết chuyển mùa, bạn cần chú ý giữ nhiệt độ trong phòng ổn định, nhất là vào ban đêm, tránh không để cơ thể trẻ bị lạnh hoặc nóng đột ngột. Chú ý vệ sinh nhà cửa gọn gàng, tránh các nấm mốc, phấn hoa (nếu bạn trồng hoa trong nhà, cửa sổ hoặc ban công... thì nên đóng cửa khi đi ngủ). Nếu bạn nuôi chó, mèo, chim... trong nhà, cần giữ vệ sinh cho vật nuôi, tránh để mùi hôi hay lông vật nuôi rụng bừa bãi trong nhà. Ga giường, thảm trải sàn... cần được thay giặt thường xuyên.
Khi thấy da của trẻ có biểu hiện bị dị ứng, mẩn ngứa thì bạn cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ vùng da bị dị ứng, tránh để trẻ gãi hay chà xát mạnh để tránh làm da xây xước, chảy nước, nhiễm trùng. Sau khi tắm, bạn có thể cho trẻ bôi kem dưỡng ẩm để chống khô da và có tác dụng tránh ngứa, hạn chế tái phát. Kem dưỡng ẩm phải được sử dụng hàng ngày và dùng lâu dài sau khi triệu chứng đã được cải thiện. Về chế độ ăn, bạn cần cho trẻ ăn đầy đủ khẩu phần chế độ ăn theo lứa tuổi, chú ý mỗi khi cho trẻ ăn các món ăn lạ, hải sản... thấy xuất hiện phát ban, mẩn đỏ... thì cần tránh những thức ăn này. Bạn cũng cần nhớ cho trẻ uống đủ nước (khoảng 500-600 ml/ngày).
Khi trẻ xuất hiện các dấu hiệu dị ứng cấp tính, bạn cần đưa trẻ đi khám bác sĩ, để được điều trị kịp thời, tránh để bệnh kéo dài. Do trẻ có cơ địa dị ứng, nên không được tự ý dùng thuốc hoặc dùng thuốc theo sự mách bảo của người không có chuyên môn, dễ làm cho tình trạng bệnh phức tạp thêm, gây khó khăn cho quá trình điều trị tiếp theo.
Chúc bé mau khỏe!