THẮC MẮC

Điều trị dứt điểm những cơn đau đại tràng co thắt?

Cháu bị đại tràng co thắt cháu hay bị đau bụng lúc nửa đêm và sáng sớm ngủ dậy. Cháu hay đau bụng khi đi cầu và đau lưng khi đi tiểu. Những cơn đau bụng thường đi kèm với đau lưng khiến cháu di chuyển rất khó khăn và càng ngày càng gầy. Cháu mong Bác sĩ tư vấn cho cháu làm cách nào trị dứt điểm những cơn đau kia ạ! Cháu cám ơn Bác sĩ!

Tư vấn

Chào cháu,
Trong thư cháu có nói là cháu bị viêm đại tràng co thắt, không rõ cháu đã đi khám ở đâu để được chẩn đoán như vậy và nếu đã đi khám thì bác sĩ đã cho cháu sử dụng thuốc gì?
Hội chứng đại tràng co thắt là một bệnh khá phổ biến, tuy nhiên chưa ai xác định được nguyên nhân gì gây nên bệnh. Người ta chỉ phỏng đoán bệnh có cơ chế miễn dịch, có nghĩa là cơ thể sinh ra kháng thể để chống lại chính mình. Do chưa rõ nguyên nhân nên bệnh cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. việc điều trị chủ yếu là dùng thuốc điều trị triệu chứng, thay đổi chế độ ăn và thay đổi lối sống
Triệu chứng của bệnh rất thay đổi, khác nhau ở mỗi người bệnh và có thể diễn biến theo thời gian, thường có những dấu hiệu sau:
1/ Rối loạn đại tiện: Thay đổi số lần đại tiện, phân lỏng, táo bón xen kẽ với phân bình thường, hay tái đi tái lại nhiều lần.
2/ Đau bụng hoặc khó chịu ở bụng, bớt đi khi trung tiện, tăng lên khi bị táo bón
3/ Bụng căng trướng hơi, mềm và không có dấu hiệu gì đặc biệt khi thăm khám
4/ Cảm giác đau khó chịu ở bụng giảm đi sau đi đại tiện, đau âm ỉ không ở vị trí nào rõ rệt, có lúc đau dữ dội rồi trở về bình thường.
5/ Phân có thể có nhày
6/ Đặc biệt là bệnh có thể diễn biến nhiều năm nhưng tình trạng sức khoẻ toàn thân không thay đổi
7/ Có thể có các triệu chứng ngoài tiêu hoá như nhức đầu, đau đầu, mệt mỏi, khó ngủ, lo lắng suy sụp tinh thần
Xét nghiệm lâm sàng:
1/ XN máu: hoàn toàn bình thường, không có biểu hiện thiếu máu
2/ XN phân: không có vi khuẩn gây bệnh, không có máu
3/Chụp XQ: không có hình ảnh tổn thương hoặc cấu trúc bất thường ở đại tràng, chỉ có hìng ảnh rối loạn nhu động co bóp của đại tràng.
4/ Soi trực tràng sigma hoặc đại tràng niêm mạc hồng, có thể có xung huyết nhẹ, tăng tiết nhầy, tăng co bóp hoặc giảm nhu động
5/ Sinh thiết mô bệnh học thấy niêm mạc bình thường
Điều trị:
1/Chế độ ăn uống là quan trong nhất: khi đang có triệu chứng đau bụng nên kiêng ăn những thức ăn không thích hợp với chính mình (cái này thì cháu phải tự để ý để xem thức ăn nào hợp, thức ăn nào không hợp). Ssữa, tôm, cua ,cá, hải sản thường là những thức ăn không thích hợp. Cũng cần tránh những thức ăn sinh hơi nhiều như khoai tây, sắn, những chât kích thích như rượu, cà phê, gia vị, các đồ uống có ga, thức ăn để lâu, bảo quản không tốt, ăn gỏi hoặcđồ ăn sống, những hoa quả khó tiêu, có nhiều đường như xoài, mít, cam, quýt …
2/ Luyện tập: Tập đi ngoài đều đặn 1 lần/ ngày, mát xa bụng, tập thư giãn, khí công…
3/ Điều trị triệu chứng, chủ yếu là nếu có triệu chứng gì thì dùng thuốc để giảm bớt triệu chứng đó. Ví dụ nếu chướng bụng đầy hơi thì dùng thuốc giảm chướng bụng đầy hơi như: Debridat, motilium – M, nếu đau bụng do co thắt thì dùng các thuốc như spasmaverin, spasfon, nếu có đi ngoài lỏng thì dùng Imodium, smecta, nếu táo bón thì có thể dùng các thuốc chống táo bón như Forlax, Duphalax…
4/ Cũng có thể dùng thêm các thuốc đông y để tăng cường sức khoẻ
Cần lưu ý là nếu chỉ đau ở một vị trí duy nhất, và sụt cân nhiều thì cần nghĩ đến một số bệnh khác như polyp đại tràng, viêm loét đại tràng do nhiễm vi sinh.
Còn triệu chứng đau lưng khi đi tiểu thì cháu cần cảnh giác với bệnh nhiễm trùng tiết niệu. Do đó tốt nhất cháu nên đi khám ở bệnh viện có phòng khám đa khoa để được kiểm tra và làm những xét nghiệm cần thiết. Từ đó mới có biện pháp điều trị thích hợp.
Chúc cháu mau khỏe!