THẮC MẮC

Dương tính kháng nguyên bề mặt HBsAg cần phải làm gì?

Chào bác sĩ. Tôi tên Vũ.V.H, giới tính: Nam. Tuổi: 1989. Bản thân tôi biết mình có bệnh, chưa có điều kiện đi khám trực tiếp tại bệnh viện. Mong muốn được Bác sĩ giúp đỡ, xin vui lòng! 9/7/2018 tôi đi khám sk XKLĐ Hàn Quốc. 14/7/2018 sở báo cho tôi biết tội bị loại. Có câu:" Niềm vui ngắn chẳng tày gang"- quả đúng là tôi sock thật sự. Trong khoảng 1 tháng sau khi tôi biết có bệnh, tôi xuất hiện 1 cơn sốt virus mà tôi không hề liên tưởng về bệnh lý trong máu mình. Thật khủng khiếp! Giờ đây hơn 1 năm rồi, xin hãy cho tôi biết tôi phải làm gì tiếp theo từ 2019 này tôi nói không với rượu bia.

Tư vấn

Chào bạn!
Theo kết quả xét nghiệm thì bạn bị hiễm virus viêm gan B. Bệnh này không có gì đáng sợ, bạn theo dõi, khám sức khỏe định kỳ kiểm tra, duy trì lối sống lành mạnh bạn hoàn toàn có thể chung sống hòa bình với bệnh nhé. HBV phân làm 4 trường hợp:
- Trường hợp 1: Có kháng nguyên bề mặt HBsAg (+) chứng tỏ có virut; có kháng nguyên nội sinh HBeAg (+) chứng tỏ virut đang sinh sôi, có dấu hiệu lâm sàng viêm gan B rõ (vàng mắt, vàng da, mệt mỏi chán ăn; enzym gan ALT-alanin aminotranferase tăng. Bình thường ALT= 40U/L, khi bị bệnh ALT tăng gấp 2 lần trở lên). Đây là trường hợp cần phải dùng thuốc.
- Trường hợp 2: HBsAg (+) chứng tỏ có virut; HBeAg(-) chứng tỏ không có dấu hiệu virut sinh sôi; không có dấu hiệu lâm sàng rõ. Đây là trường hợp người lành mang mầm bệnh, không dùng thuốc.
- Trường hợp 3: HBsAg (+) chứng tỏ có virut; HBeAg(+) chứng tỏ virut đang sinh sôi, nhưng không có dấu hiệu lâm sàng. Đây là trường hợp người "dung nạp được miễn dịch" cũng chưa cần dùng thuốc. Nhưng trường hợp này có nguy cơ cao, virut có thể tái kích hoạt gây bệnh nên cần theo dõi, nếu thấy xuất hiện các biểu hiện lâm sàng thì khám ngay để kịp thời dùng thuốc.
- Trường hợp 4: HBsAg (+) chứng tỏ có virut; HBeAg (-) chứng tỏ không có dấu hiệu virut sinh sôi nhưng lại có dấu hiệu lâm sàng. Đây là trường hợp người bệnh đã từng bị viêm gan B mạn, virut từng kích hoạt âm thầm, sau đó ngừng kích hoạt gọi là người viêm gan B không hoạt tính; chưa cần dùng thuốc (vì virut chưa tái sinh sôi, chưa thực sự tái kích hoạt, dùng sẽ không có lợi). Tuy nhiên phải theo dõi chặt chẽ: khám lâm sàng, xét nghiệm định kỳ, khi cần thiết phải can thiệp ngay.
Chúc bạn sức khỏe!