THẮC MẮC

Hay bị đau bụng, một ngày đi ngoài khoảng 3 lần

Tôi hay bị đau bụng, một ngày đi ngoài khoảng 3 lần, phân không quá lỏng, ăn bất cứ thứ gì vào là đi. Thức ăn không tiêu, nhất là ăn rau buổi tối. Mong bác sĩ tư vấn giúp tôi ạ. Tôi xin chân thành cảm ơn

Tư vấn

Chào bạn!
Đau bụng có rất nhiều nguyên nhân, bạn không mô tả rõ bạn đau vùng nào, tính chất đau bụng như thế nào cũng như vấn đề đi ngoài nhiều lần 1 ngày, tôi không biết bạn bị tình trạng này trong bao lâu rồi, nên thật khó để đưa ra cho bạn một nguyên nhân rõ ràng. Tuy nhiên, tình trạng của bạn có thể là biểu hiện của viêm đại tràng. Viêm đại tràng là một bệnh tiêu hoá thường gặp, tỷ lệ mắc bệnh trong nhân dân cao ở nhiều nước đang và kém phát triển do mức sống còn thấp nên điều kiện vệ sinh trong ăn uống ít được chú trọng. Bệnh khởi phát từ một đợt viêm đường tiêu hoá cấp tính do nhiễm khuẩn các vi khuẩn hay các ký sinh vật qua ăn uống nhưng không được điều trị triệt để dẫn tới hiện tượng nhờn thuốc, kháng thuốc. Sau nhiều lần tái phát, bệnh chuyển sang Viêm đại tràng mạn tính.
Thay đổi chế độ dinh dưỡng là một yếu tố quan trọng trong việc điều trị căn bệnh viêm đại tràng. Bệnh nhân cần tăng cường ăn chất xơ, đồng thời phải kiêng rất nhiều thứ như chất béo, chất kích thích và một số loại thuốc:
Sau đây là một số điều trong ăn uống mà bệnh nhân viêm đại tràng mạn cần lưu ý:
1. Những ngày không đau: Tăng cường chất dinh dưỡng
2. Khi bị táo bón: Giảm chất béo, tăng chất xơ (đặc biệt là dưới dạng hòa tan như pectin, inuline, oligofructose…). Ăn làm nhiều bữa nhỏ, chừng hơn 2 tiếng lại ăn một bữa.
3. Khi bị tiêu chảy: Tránh hẳn chất xơ dạng không tan như cellulose để thành ruột khỏi bị “cọ xát”. Không ăn rau sống, trái cây khô, trái cây đóng hộp, nếu ăn trái cây tươi thì phải gọt bỏ vỏ (kể cả nho). Có thể ăn trái cây xay nhừ như chuối, táo.
4. Tránh chất kích thích: Những thực phẩm có chất kích thích thần kinh như cà phê, chocolate, trà…đều phải kiêng.
5. Hạn chế các sản phẩm từ sữa: Trong sữa có loại đường lactose rất khó tiêu. Ngoài ra, chất đạm của sữa có thể gây dị ứng cho bệnh nhân. Hãy thay thế bằng sữa đậu nành.
6. Hạn chế mỡ: Tránh những thức ăn có hàm lượng dầu mỡ quá cao như các món rán, xào, sốt.
7. Tránh các thuốc kháng viêm, giảm đau không steroid: Những thuốc như Aspirin, Ibuprofen, Naprosyn, Voltaren, Feldene… có thể “ăn mòn” niêm mạc dạ dày, ruột, làm tăng nguy cơ xuất huyết.
8. Uống 1 viên đa sinh tố, muối khoáng mỗi ngày: Những viên này chứa ít nhất 400 mcg axit folic, khắc phục tình trạng thiếu axit này do dùng thuốc Sulfasalazine.
Khi bạn đã tuân thủ chế độ ăn trên mà bệnh không có dấu hiệu thuyên giảm thì tôi khuyên bạn nên khám chuyên khoa tiêu hóa để tìm nguyên nhân chính xác và điều trị hiệu quả.
Chúc bạn sống khỏe!