THẮC MẮC

Hay bị đau quặn bụng là đau bụng kinh hay là ruột thừa?

Thưa Bác sĩ! Em năm nay 21 tuổi, nữ giới, đang là sinh viên. Kinh nguyệt của em rất đều, luôn vào các ngày 8 hoặc 9 hàng tháng, tuy nhiên lại kéo dài từ 7 - 10 ngày. Ngày mùng 7/12 vừa rồi em bất chợt đau quặn bụng dưới, vốn nghĩ là đau bụng kinh vì rất gần ngày nên chỉ uống thuốc đau kinh, nhưng sau đó lại không thấy có kinh nữa. Sang đến sáng mùng 8 thì bắt đầu đau lan lên bụng trên, nó cứ lâm râm cả ngày, đau rất nhẹ (chỉ cần tập trung làm việc khác là có thể lờ đi cơn đau), nhưng lại kéo dài mấy ngày không dừng đến tận hôm nay, 12/12. Bụng dưới cứ cách vài tiếng lại đau quặn xuống một lần chừng 5 -10 phút. Ngày 9/12 là đau nhiều lần nhất, cứ cách khoảng 4 tiếng lại đau bụng dưới một lần, đau đến mức ngủ say mà vẫn tỉnh giấc, đến hôm nay 12/12 thì số lần giảm bớt nhưng bụng trên vẫn đau lâm râm. Hơn hết là kinh nguyệt em bắt đầu trễ. Hôm qua 11/12 em đã đến bệnh viện kiểm tra, Bác sĩ khi ấn thật mạnh bụng dưới thì bên phải rất đau, bên trái đau không bằng. Bác sĩ dự đoán khả năng là viêm ruột thừa, nhưng kết quả siêu âm bụng và công thức máu đều rất bình thường. Vệ sinh (cả đi ngoài lẫn đi nhẹ) cũng rất ổn nên Bác sĩ chỉ nói là theo dõi. Bên phụ khoa nói là có thể em thiếu Omega-3 nên đau bụng trước kì kinh. Vậy khả năng em bị bệnh gì vậy? Em mỗi tuần đều ăn cá và hải sản ít nhất 3 lần, tuần nào cũng đều ăn cá ngừ, nhưng như vậy với em có phải sẽ là thiếu n-3 không hay là triệu chứng đầu của đau ruột thừa?

Tư vấn

Chào bạn!
Đau quặn bụng không phải là triệu chứng chỉ có ở đau bụng kinh hay viêm ruột thừa mà còn gặp trong rất nhiều bệnh lý như viêm đại tràng, hội chứng lị, nhiễm khuẩn đường ruột, hội chứng ruột kích thích… trong trường hợp đau quặn bụng có kèm theo hiện tượng trễ kinh nên có thể là đau do rối loạn kinh nguyệt. Nếu sau khi bạn bị hành kinh mà đau bụng đỡ đi là đúng. Bạn đã đi siêu âm và bác sĩ cũng nghi ngờ bạn bị viêm ruột thừa, bạn cần phải theo dõi thêm. Nếu do viêm ruột thừa thì phải có biểu hiện nhiễm trùng như sốt, tăng bạch cầu. tuy nhiên biểu hiện này lại không có ở bạn và siêu âm cũng khẳng định là bình thường thì bạn cũng không nên lo lắng, chỉ cần theo dõi sát là được. Nếu không phải viêm ruột thừa và sau khi hết kinh mà vẫn đau, bạn nên khám bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa.
Chúc bạn mạnh khỏe!