THẮC MẮC

Hay đi ngoài, bị đau tá tràng nên chữa thế nào?

Cháu năm nay 20 tuổi. Cháu bị đau tá tràng từ năm lớp 10. Cháu đã đi khám ở bệnh viện Bác sĩ bảo bệnh này không khỏi được nên ăn uống và ngu hợp lí. Cháu rất hay bị đi ngoài nhưng không còn đau dạ dày mặc dù đã dùng thuốc. Cháu rất muốn tăng cân và có một sức khoẻ tốt vậy mong Bác sĩ hãy cho cháu lời khuyên về thuốc và sinh hoạt hằng ngày.

Tư vấn

Chào cháu!
Cháu đã được khám và chẩn đoán bị bệnh tá tràng (chắc là viêm loét hành tá trảng). Đây là một bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi và chiếm tỉ lệ cao ở người lớn. Tuỳ theo vị trí tổn thương ở dạ dày mà người ta gọi các tên khác nhau như viêm hang vị, tâm vị, bờ cong, hành tá tràng…
Có rất nhiều nguyên nhân gây viêm loét dạ dày - tá tràng như: do dùng thuốc (thuốc giảm đau chống viêm, hormone…), do vi khuẩn (Helicobacter pylori); do thần kinh căng thẳng kéo dài; do chế độ ăn (no đói không đều, ăn quá nhanh, nhai thức ăn không kỹ…); do uống quá nhiều rượu; do hoá chất…
Bệnh biểu hiện với triệu chứng như đau bụng vùng thượng vị, ợ hơi, ợ chua, nóng rát, đau từng cơn vào lúc đói…Có thể kèm theo buồn nôn, chướng bụng, chậm tiêu. Có thể mất ngủ hoặc gián đoạn giấc ngủ. Tuy nhiên, có những bệnh nhân không có triệu chứng biểu hiện của bệnh mà chỉ phát hiện được do tình cờ như thủng dạ dày...
Vì cháu không nói rõ mình bị viêm hay loét hành tá tràng và nguyên nhân là gì nên cũng khó mà nói chính xác cách điều trị hiệu quả. Tuy nhiên, mục tiêu của việc điều trị loét dạ dày-hành tá tràng là dùng các thuốc kháng acid, thuốc làm giảm bài tiết acid và pepsin (thuốc kháng histamin H2 và ức chế bơm proton); thuốc diệt Helicobacter pylori (kháng sinh, bismuth); chống các yếu tố gây loét và tăng cường yếu tố bảo vệ dạ dày.
Tuỳ theo chẩn đoán mà có phác đồ điều trị thích hợp và hiệu quả.
Vì vậy, để có một sức khoẻ tốt và tăng cân thì ngoài việc điều trị những nguyên nhân gây nên bệnh, cháu cần phải thực hiện:
- Nên ăn thức ăn mềm, cần ưu tiên các thức ăn tinh bột có tác dụng bọc, hút thấm để bảo vệ niêm mạc dạ dày, giúp giảm kích thích tiết dịch vị, trung hòa acid như sữa, gạo nếp, bánh mì, cơm, bánh quy…
- Nên sử dụng chất béo từ cá (mỡ cá, cá mỡ) vì nó cung cấp nhiều acid béo thiết yếu và năng lượng cho cơ thể. Thức ăn giàu kẽm (hàu, sò, thịt, cá…) sẽ làm vết thương mau lành, vitamin A giúp sinh trưởng lớp tế bào biểu mô của niêm mạc dạ dày.
- Tránh dùng các chất gây kích thích dạ dày, tiết nhiều dịch vị như: ớt, hạt tiêu, giấm, trái cây chua, sữa chua, dưa hành, dưa cà muối chua, nước dùng thịt, thức ăn lên men như mắm, tương; thịt nguội chế biến sẵn…Hạn chế các món rán xào.
- Cháu cần ngủ đủ giấc, tránh thức quá khuya hoặc mất ngủ.
Tốt nhất, cháu nên đi khám chuyên khoa tiêu hoá để có được chẩn đoán chính xác và điều trị phù hợp.
Chúc cháu mau khỏi!