THẮC MẮC

Hay nổi đỏ dưới da khi bị nóng trong là mắc bệnh gì? Điều trị thế nào?

Chào bác sĩ. Em thường hay nổi đỏ dưới da khi bị "nóng" (ăn thức ăn nóng, ra nắng, thậm chí là cười và khóc, hay chạy mệt) mỗi lúc bị nổi như thế em đều cảm thấy nóng nhẹ cả người. Em bị như vậy cũng lâu lắm rồi như không có biểu hiện của ngứa hay những triệu chứng khác. Em bị nổi thành vùng chứ không phải chấm đỏ, thường là từ vùng cổ xuống vùng ngực và cả hai cánh tay. Có lúc cả thân trên. Nhưng không lâu được làm mát cơ thể lại thì sẽ hết. Cho em hỏi em bị như vậy có bệnh gì không và điều trị như thế nào ạ. Em chân thành cảm ơn.

Tư vấn

Chào bạn!
Nếu các nốt sản của bạn có dạng mảng sẩn cục chứ không phải các chấm đỏ như muỗi đốt thì có thể bạn bị mề đay. Bệnh mề đay là bệnh ngoài da khá phổ biến có thể do rất nhiều nguyên nhân gây ra như thời tiết, thực phẩm, thuốc, hoá chất, vi khuẩn, ký sinh trùng, các bệnh hệ thống, bệnh nội tiết, do di truyền,… Trong đó với trường hợp mề đay do thời tiết thì thời tiết lạnh hoặc thời tiết nóng đều có thể gây ra mề đay, tùy theo cơ địa từng người. Tuy nhiên, dù nguyên nhân gì thì mề đay thường chia thành hai loại chính, gồm:
- Mề đay cấp tính: biểu hiện đột ngột ở bất cứ vùng nào trên cơ thể, tổn thương là những sần, phù nề, ngứa dữ dội, có thể kèm theo sốt cao, nôn mửa, đau quặn bụng, khó thở…. Tổn thương có thể xuất hiện trong vài phút tới vài giời rồi lặn, hoặc liên tiếp kéo dài nhiều đợt nhưng thường dưới 8 tuần.
- Mề đay mạn tính: khi tình trạng nổi mề đay kéo dài trên 8 tuần, tổn thương có thể nhiều hay ít, có thể liên tục hoặc ngắt quãng, gồm một số dạng tổn thương như: thành vệt dài, thành vòng; sần, mụn nước, phỏng nước; mảng đỏ, to phù nề mặt hoặc bộ phận sinh dục, thường kéo dài vài giờ nhưng có thể gây nguy hiểm như gây chèn ép đường hô hấp trên, dẫn tới khó thở cấp; mề đay cấp tiết cholin xuất hiện khi đi ra nắng, vận động thể lực, biểu hiện ngứa toàn thân.
Việc điều trị sẽ hiệu quả sau khi xác định chính xác mề đay do cơ địa di truyền hay do một rối loạn, bệnh lý nào đó gây ra. Do đó, bạn nên tới cơ sở y tế chuyên khoa dị ứng (trung tâm dị ứng miễn dịch lâm sàng thuộc Bệnh viện Bạch Mai, khoa da liễu dị ứng bệnh viện đa khoa tỉnh,…..) để khám và điều trị thích hợp. Để phòng bệnh, bạn cần lưu tâm: nếu bị mề đay do lạnh, cần luôn giữ ấm cho cơ thể: tắm nước ấm, khi ra ngoài phải giữ ấm toàn thân; nếu bị mề đay do nóng thì cố gắng tránh môi trường nóng bức, giữ cơ thể, làn da thoáng mát.
Chúc bạn sức khỏe!