THẮC MẮC

Hẹp môn vị sau hậu phẫu

Em muốn hỏi là hướng điều trị trong bệnh hẹp môn vị sau hậu phẫu là như thế nào?

Tư vấn

Chào em!
Sau khi phẫu thuật hẹp môn vị cần phải điều trị tích cực bằng kháng sinh, giảm đau kết hợp với chăm sóc và theo dõi các biến chứng sau mổ.
Bất kì một thủ thuật hay phẫu thuật nào đều làm tổn thương các cấu trúc mô và phần mềm trong quá trình can thiệp do đó sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Đặc biệt, đường tiêu hóa có rất nhiều loại vi khuẩn khác nhau nên sau khi phẫu thuật hẹp môn vị, nguy cơ nhiễm trùng càng cao. Vì vậy, cần phải điều trị tích cực bằng kháng sinh mạnh sau mổ hoặc có thể phải dùng phối hợp nhiều nhóm kháng sinh.
Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc kháng sinh để chống nhiễm trùng cần phải giảm đau sau mổ cho bệnh nhân bằng các loại thuốc giảm đau vì phẫu thuật hẹp môn vị là phẫu thuật lớn, làm tổn thương cả da, cơ và hệ tiêu hóa. Trong những ngày đầu sau mổ, bệnh nhân đau nhiều, chưa ăn uống được nên thường dùng thuốc giảm đau dạng truyền, sau đó có thể chuyển sang dùng dạng uống khi bệnh nhân có thể ăn uống được, đỡ đau hơn.
Ngoài ra, cần phải dùng thuốc giảm tiết acid dịch vị dạ dày để giảm nguy cơ gây loét bục vết mổ vùng môn vị đồng thời vết mổ có điều kiện liền sẹo tốt hơn.
Một phẫu thuật có thành công hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào quá trình chăm sóc và theo dõi sau mổ.
Bệnh nhân sau mổ cần được chăm sóc về chế độ ăn uống và vệ sinh cá nhân; chăm sóc vết mổ hàng ngày, chăm sóc dẫn lưu.
Trong một vài ngày đầu sau mổ, bệnh nhân thường có liệt ruột cơ năng biểu hiện bụng chướng, không đánh hơi được nên cần phải được nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch. Khi bệnh nhân đánh hơi được tức là đã có nhu động ruột thì có thể cho bệnh nhân ăn được. Chế độ ăn của bệnh nhân chủ yếu là cháo và sữa, mỗi lần ăn ít một và ăn nhiều bữa trong ngày, số lượng tăng dần, không nên cho ăn quá nhiều trong những ngày đầu vì nhu động ruột của bệnh nhân chưa hồi phục tốt. Bệnh nhân cần phải được ăn uống tốt, đầy đủ chất dinh dưỡng thì vết mổ mới nhanh liền và tăng sức đề kháng, giảm nguy cơ nhiễm trùng sau mổ.
Về vệ sinh cá nhân, bệnh nhân cũng cần được vệ sinh răng miệng hàng ngày tại giường, khi vết mổ chưa liền sẹo, chưa thể tắm dưới vòi nước nên cần phải lau người, vệ sinh cơ thể hàng ngày.
Vết mổ và chân dẫn lưu cần phải được chăm sóc hàng ngày bằng cách sát trùng và thay băng hàng ngày. Nếu không có nhiễm trùng vết mổ thì sau khoảng 10 – 14 ngày, vết mổ sẽ liền sẹo tốt và có thể cắt chỉ.
Bệnh nhân sau mổ cần phải theo dõi sát các biến chứng có thể xảy ra: biến chứng chảy máu thường xảy ra trong những ngày đầu sau mổ; biến chứng nhiễm trùng thường xảy ra từ ngày thứ tư, thứ năm sau mổ.
Sau mổ, bệnh nhân có thể bị chảy máu tại vết mổ trong ổ bụng nên cần phải theo dõi sát dẫn lưu ổ bụng để đánh giá số lượng dịch, màu sắc dịch. Nếu dẫn lưu ra nhiều dịch máu cần thì có thể do chảy máu trong ổ bụng, cần phải phát hiện sớm và can thiệp kịp thời. Đồng thời cần phải chú ý da và niêm mạc xem có da xanh, niêm mạc nhợt hay không vì tình trạng chảy máu nhiều không cầm trong ổ bụng sẽ gây thiếu máu.
Theo dõi nguy cơ nhiễm trùng bằng cách cặp nhiệt độ hàng ngày. Nếu nhiệt độ trên 37d5 là có sốt. Có thể nhiễm trùng vết mổ hoặc do nhiễm trùng trong ổ bụng như: viêm loét vết mổ, viêm phúc mạc,…
Tất cả các công việc điều trị bằng thuốc và chăm sóc, theo dõi sau mổ được thực hiện bởi các Bác sĩ và điều dưỡng trong khoa phòng. Bệnh nhân chỉ được xuất viện khi tình trạng vết mổ liền sẹo tốt, không nhiễm trùng, ăn uống tốt, toàn trạng ổn định.
Chúc bạn khỏe!