THẮC MẮC

Hoạt động thể thao mạnh hơn mà vẫn không đổ mồ hôi có phải mắc bệnh gì?

Chào bác sĩ. Cháu năm nay 20 tuổi, là nam giới. Cháu nhận thấy sự khác biệt lớn về khả năng tiết mồ hôi của mình. Với điều kiện môi trường như nhau nhưng khác nhau về thời gian (cách nhau 2 năm). Thì cách đây hai năm cơ thể cháu đổ mồ hôi như hoạt động sinh học bình thường, thậm chí đổ mồ hôi rất nhiều, nhất là khi hoạt động thể thao. Nhưng 2 năm sau lại mất chức năng đổ mồ hôi đó, thậm chí hoạt động thể thao mạnh hơn mà vẫn không đổ mồ hôi, hoặc đổ rất ít, lượng nước uống vào là như nhau. Vậy có phải đây là dấu hiệu một loại bệnh lí, và nguyên do tại sao lại bị mất chức năng đó. Cháu đang rất hoang mang, mong nhận được sự tư vấn nhiệt thành ạ.

Tư vấn

Chào bạn!
Trước đây chúng ta từng nói tới chứng đổ mồ hôi đầm đìa do hệ thống hạch giao cảm vượng lên kích thích tuyến mồ hôi tiết ra quá nhiều mồ hôi, nhất là ở mặt, bàn tay, bàn chân và dưới nách gây khó chịu và mặc cảm vô cùng. Nay chúng ta đề cập đến trường hợp ngược lại: chứng bí mồ hôi nghĩa là các hạch giao cảm lười biếng không chịu làm việc, tuyến mồ hôi không thèm tiết ra mồ hôi dù trời đang nắng nóng.
Hàng chục yếu tố có thể gây ra chứng bí mồ hôi bao gồm các tổn thương da, một số thuốc uống và một số bệnh thực thể. Người bị chứng bí mồ hôi thường thấy ít hay không có mồ hôi trong khi bạn bè và người thân ra mồ hôi dầm dề kèm theo cảm giác nóng bừng, chóng mặt, vọp bẻ và tê yếu cơ bắp. Chứng bí mồ hôi có thể xảy ra khắp thân người, trong một khu vực hay rải rác nhiều nơi trên người.
Nguyên nhân gây ra chứng bí mồ hôi bao gồm các bệnh bẩm sinh không phát triển tuyến mồ hôi, một số bệnh di truyền ảnh hưởng đến việc trao đổi chất như bệnh Fabry, bệnh mô liên kết như hội chứng Sjogren gây khô mắt và khô miệng. Tổn thương da như bỏng hay xạ trị, các bệnh làm tắc nghẽn lỗ chân lông như bệnh vẩy nến cũng gây ra chứng bí mồ hôi. Bệnh tiểu đường, nghiện rượu và hội chứng Guillain-Barré gây tổn thương các dây thần kinh ngoại biên cũng đưa đến chứng bí mồ hôi. Một số loại thuốc như morphin, độc tố botulinum và thuốc điều trị rối loạn tâm thần cũng làm giảm tiết mồ hôi.
Vì vậy nếu thực sự cảm thấy cơ thể khó tiết mồ hôi nên đi khám để bác sỹ thăm khám trực tiếp xác định nguyên nhân và tư vấn nhé.
Chúc bạn sức khỏe!