THẮC MẮC

Hỏi về bệnh nổi cục ở da, ngứa và đau

Thưa Bác sĩ! Cháu là nam giới, năm nay 26 tuổi, cách đây vài hôm cháu bị nổi vài nốt đỏ như côn trùng cắn, rất ngứa và khi chạm vào thì hơi đau, dần dần những nốt ấy nổi sưng thành cục to. Sau khi gãi xuất hiện những chấm li ti dạng như rôm. Vây cho cháu hỏi là cháu bị làm sao? và chữa như thế nào? Cháu xin cảm ơn

Tư vấn

Chào bạn,
Trong thư bạn không cho biết rõ vị trí, hoàn cảnh xuất hiển của các tổn thương da, nên rất khó tư vấn cụ thể. Tuy vậy, tôi xin cung cấp thêm thông tin về trình trạng dị ứng da để bạn tham khảo.
Dị ứng là do hệ miễn dịch của cơ thể quá mẫn cảm với một số chất từ môi trường bên ngoài mà cơ thể cho là lạ. Dấu hiệu thường gặp là phát ban, mày đay, ngứa... Những tác nhân gây dị ứng có thể là thức ăn, côn trùng, nấm mốc, thuốc, thời tiết, nước, hóa chất (cả hóa chất ở nơi làm việc, hóa chất gia dụng như nước rửa bát, cọ toilet...), mỹ phẩm, xà phòng...
Qua thông tin trong thư, bạn có thể bị dị ứng với tổn thương mày đay. Đây là một dạng dị ứng với những yếu tố kích thích từ bên trong hoặc bên ngoài cơ thể, đa số trường hợp có liên quan tới cơ địa mẫn cảm dị ứng (bố mẹ, anh chị em hoặc bản thân bị hen, eczema). Triệu chứng mày đay khá điển hình. Tổn thương biểu hiện thành từng vết sẩn có đường kính 1-2 cm hoặc thành đám sẩn to, hình dáng bất kỳ, tròn hoặc vằn vèo, ranh giới rõ, gồ lên mặt da, màu đỏ. Bệnh nhân ngứa dữ dội, càng gãi càng ngứa, tổn thương mọng lên, nổi thêm nhiều đám khác. Vài giờ, vài ngày sau, các sẩn có thể lặn, không để lại di chứng gì trên da. Nhưng bệnh có xu hướng tái phát, rất thất thường, do nhiều yếu tố. Đợt nổi đầu tiên gọi là mày đay cấp; những đợt sau đó 4-8 tuần gọi là mày đay tái phát, mạn tính.
Vấn đề bây giờ là cần tìm nguyên nhân gây dị ứng để có thể điều trị hiệu quả. Rất tiếc bạn không cho biết vị trí tổn thương da, nghề nghiệp, thói quen sinh hoạt... Đây là những thông tin góp phần gợi ý tìm nguyên nhân gây dị ứng. Bạn cần kiểm tra lại chế độ ăn (có ăn thực phẩm gì lạ không, nhất là hải sản), đồ dùng hằng ngày (quần áo, khăn tắm, xà phòng, sữa tắm...), môi trường xung quanh (hóa chất, môi trường khói bụi, nấm mốc, phấn hoa...). Thậm chí, bạn có thể bị dị ứng thời tiết.
Song song với việc phát hiện nguyên nhân, bạn cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ vùng da bị dị ứng, không gãi hay chà xát mạnh để tránh làm da xây xước, chảy nước, nhiễm trùng. Bạn có thể uống thuốc chống dị ứng, song chỉ có tác dụng giải quyết được triệu chứng tạm thời. Muốn điều trị hiệu quả thì cái chính là phải tìm cho ra nguyên nhân, đôi khi không mấy dễ dàng. Vì vậy, bạn nên đi khám chuyên khoa Dị ứng hoặc Da liễu, làm một số xét nghiệm giúp tìm nguyên nhân gây dị ứng để tìm cách loại trừ hoặc phòng tránh nguyên nhân mới có thể khỏi bệnh, không nên để tình trạng dị ứng kéo dài dễ gây khó khăn trong điều trị sau này.
Chúc bạn mau khỏi!