THẮC MẮC

Hỏi về đau bụng kinh

Bạn em năm nay 23 tuổi, mỗi lần có kinh đều bị đau bụng dữ dội, nhưng sẽ bị đau hơn nếu như lần có kinh đó vào buổi đêm, buổi ngày thì sẽ đỡ hơn. Nhờ bác sĩ tư vấn giúp bạn em ạ. Em cảm ơn

Tư vấn

Chào em,
Đau bụng kinh là triệu chứng đau vùng chậu có liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt. Bệnh nhân có cảm giác đau tức nặng bụng dưới, có thể thấy đau lưng kèm theo đau đầu và đau các chi. Đau bụng kinh cũng có thể liên quan với các triệu chứng toàn thân khác như chóng mặt, mất ngủ và các triệu chứng tiêu hóa như buồn nôn, nôn và tiêu chảy. Đau bụng kinh là khởi phát triệu chứng hoặc triệu chứng nặng hơn khi có kinh.
Đau bụng kinh nguyên phát (sinh lý) ít gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng lớn tới sinh hoạt, công việc của chị em, thậm chí nhiều người phải nghỉ học, nghỉ làm vì những cơn đau dữ dội; Đau bụng kinh thứ phát có thể do nhiều bệnh lý phụ khoa gây ra, trong đó bệnh lý thường gặp nhất là u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung và nhiễm trùng vùng chậu; nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng lên chức năng sinh sản của phụ nữ.
Tỷ lệ phụ nữ bị đau bụng kinh rất cao (72%). Đau bụng kinh ít gặp hơn ở những phụ nữ đã sinh con.
Nguyên nhân đau bụng kinh khá nhiều, phổ biến gồm:
- Yếu tố thần kinh, một số chị em phụ nữ quá mẫn cảm với cảm giác đau.
- Trong thời kỳ kinh nguyệt vận động quá mạnh hoặc bị lạnh cũng có thể dễ gây đau bụng kinh.
- Tử cung phát triển không bình thường, khi đó lượng máu cung cấp cho tử cung cũng bất thường dẫn tới tình trạng tử cung thiếu máu, thiếu ôxy và gây ra đau bụng.
- Không khí môi trường xung quanh bị ô nhiễm, thường là ở gần khu công nghiệp hoặc làm hồ.
- Mắc các bệnh phụ khoa như lạc nội mạc tử cung, viêm tiểu khung, nhân xơ tử cung hoặc đặt dụng cụ tránh thai.
- Bé gái mới bước vào tuổi dậy thì mới có khi kinh nguyệt, trong thời gian đầu thường có áp lực, ngồi lâu dẫn tới khí huyết không lưu thông, thích ăn đồ lạnh cũng là nguyên nhân gây đau bụng.
- Vị trí tử cung, tử cung quá ngả trước hoặc ngả sau sẽ ảnh hưởng đến lưu thông kinh nguyệt gây đau bụng.
- Cổ tử cung hẹp, cản trở việc kinh nguyệt chảy ra ngoài dẫn đến đau bụng kinh.
Trường hợp của bạn em, em nên khuyên bạn đi khám sản phụ khoa để loại trừ các nguyên nhân thực thể gây đau bụng kinh, bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn hướng điều trị thích hợp. Ngoài ra, bạn em có thể áp dụng một số phương pháp sau để giảm đau bụng kinh: Trước kỳ kinh nguyệt từ 3-5 ngày, nên ăn thức ăn dễ tiêu hóa và hấp thu; tránh ăn thực phẩm sống, thực phẩm có nhiều gia vị hay thực phẩm lạnh có thể kích thích tử cung, ống dẫn trứng hoặc làm đau bụng nặng hơn; không nên ăn nhiều một lúc mà chia thành các bữa nhỏ, tránh những thức ăn khó tiêu. Cần ăn các loại thực phẩm chua như bắp cải muối, sa lát, nộm, canh chua… Nên uống nước ấm và dùng túi giữ nhiệt chườm bụng để giúp giảm đau. Trong những ngày “đèn đỏ”, nên chú ý giữ vệ sinh vùng kín sạch sẽ, khoảng 3- 4 giờ thay băng vệ sinh 1 lần, tránh làm công việc nặng; khi đi ngủ nên nằm thấp đầu, giữ ấm cơ thể, cố gắng thả lỏng cơ thể, hít thở nhẹ nhàng nhắm mắt ngủ, sau khi tỉnh dậy cơ thể khỏe mạnh hơn và cơn đau bụng sẽ giảm. Luyện tập thể dục thể thao, tập thói quen sinh hoạt khoa học, ăn, ngủ điều độ.