THẮC MẮC

Khó tập chung vào mọi việc, mau quên, suy nghĩ tiêu cực , sợ người khác tổn thương là bị bệnh gì?

Chào bác sĩ. Em năm nay 18 tuổi là nữ, em từng được bố xem là báu vật cho đến khi năm em lên sáu em trai em ra đời, từ đó bố không còn thân với em nữa, em còn ám ảnh cái hình ảnh cha đùa giỡn với em trai, còn em đứng nép sau bức tường nhìn họ, từ đó em ngại tiếp xúc với cha, nói chuyện với cha đói với em rất khó khăn, em sợ. Năm lớp 9 tận mắt em chứng kiến ba mẹ xảy ra xô xát, chế 2 thì ở cần thơ, em trai thì mải xem tivi, cuối cùng cha bỏ đi, mẹ và em trai được họ hàng bên nội ôm vào lòng an ủi, còn em đứng bơ vơ ra đó bị họ la rầy quát nạt, sau đó họ dẫn em trai và mẹ đi an ủi, bỏ lại em ở lại đứng nhìn họ đi, từ đó em không muốn nói chuyện với họ kể cả cha mẹ. Lúc em ở nhà em cảm thấy buồn , đôi khi còn muốn tự sát vì nhiều chuyện , em muốn ở một mình trong phòng, suốt ngày mãi ru rú ở trong phòng, hay khóc , năm em sáu tuổi em còn định giết em trai vì em cảm thấy ghét nó, đúng sai gì cha cũng bênh nó, bây giờ em không vậy nữa và dạo gần đây cảm giác muốn chết của em càng tăng lên em cũng hay buồn hay khóc nhưng khi em ra ngoài tiếp xúc với bạn bè em lại khác, em vui vẻ hay cười , em khi về nhà em cảm thấy khó chịu không muốn tiếp xúc với ai. em cũng hay tạo ra những nhân vật của riêng mình khi ngủ em tự nghĩ ra, em rất khó ngủ khoảng 2, 3 tiếng em mới vào được giấc ngủ , và đôi khi em bị bệnh bình thường thôi nhưng em lại lo lắng phóng bự căn bệnh của mình, em khó tập chung vào mọi việc, mau quên, suy nghĩ tiêu cực , sợ người khác tổn thương nên chưa bao giờ nói nặng dù chỉ một lần.

Tư vấn

Chào em!
Trầm cảm là một trong các rối loạn tâm thần phổ biến thuộc sức khỏe tâm thần.
Theo một số nghiên cứu, gần 3% trẻ em từ 6-12 tuổi và 8% thiếu niên mắc bệnh này. Ở nước ta bệnh trầm cảm gặp ở mọi lứa tuổi.
Hiện trên thế giới có 350 triệu người có dấu hiệu của trầm cảm. Hằng năm có 1 triệu người chết do tự sát liên quan đến trầm cảm (tức mỗi ngày có khoảng 3.000 người chết). Trong đó chủ yếu ở độ tuổi 20 - 30.
Trầm cảm có nhiều nguyên nhân: yếu tố di truyền, mất cân bằng sinh hóa trong cơ thể hoặc các yếu tố gây stress và những biến cố trong cuộc sống.
Bệnh nhân trầm cảm thường có các triệu chứng sau:
- Khó ngủ, ngủ ít, thức dậy sớm hoặc ngủ nhiều.
- Cảm giác mệt mỏi hoặc mất năng lượng, mất sinh lực, uể oải.
- Ăn mất ngon, ăn ít hoặc ăn quá nhiều.
- Mất thú vị, hứng thú hoặc mất quan tâm trong sinh hoạt, công việc hoặc giải trí.
- Cảm giác buồn rầu, buồn bã hoặc bực bội khó chịu.
- Có ý nghĩ chán nản, buông xuôi, bỏ mặc bản thân hoặc gia đình, ý nghĩ tự cho mình không xứng đáng hoặc tự buộc tội bản thân.
- Khó khăn khi tập trung vào việc gì đó, chẳng hạn khi đọc báo hoặc xem truyền hình.
- Cảm giác bứt rứt, bồn chồn, đứng ngồi không yên, lo lắng hơn bình thường. Đặc biệt có ý nghĩ muốn chết, muốn gây thương tích cho mình hoặc không bằng lòng với cuộc sống.
- Thường xuyên lo lắng về những rối loạn trong cơ thể của mình (nhức đầu, đau bụng, đau ngực, đánh trống ngực, nôn, đổ mồ hôi, đau cơ...).
Với các biểu hiện em đang gặp phải rất có thể em đã bị trầm cảm, trầm cảm nếu không được phát hiện điều trị đúng sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Người trầm cảm cần được sự chia sẻ động viên của người thân trong gia đình và kết hợp với dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa sớm. Với tình trạng hiện tại em nên nói với bố mẹ và đi khám chuyên khoa sức khỏe tâm thần sớm để xác định tình trạng bệnh và có hướng điều trị phù hợp, tránh gây những hậu quả đáng tiếc cho chính bản thân em và gia đình, trầm cảm nếu được chữa trị sớm và đúng cách thì tỉ lệ bệnh ổn định khá cao (70 - 80%).
Chúc em sức khỏe!