Nội tiết - chuyển hóa
Chào cháu!
Không rõ ý cháu nói “chân to” là bàn chân, bắp chân, bắp đùi hay toàn bộ chân? Cho nên, chúng tôi sẽ đưa ra một số thông tin chung về vấn đề này, có nhấn mạnh đến "bắp chân to" vì đây là tình trạng mà nhiều phụ nữ châu Á mắc phải. Hơn nữa, về nguyên nhân và cách khắc phục bắp chân to trong nhiều trường hợp áp dụng được cho tình trạng chân to nói chung.
Một số nguyên nhân và cách xử trí khi bị chân to:
- Thừa cân và béo phì: ngoài tình trạng tích mỡ khắp cơ thể thì thừa cân cũng sẽ làm cho đùi và bắp chân to hơn. Khi đó, giảm béo chung toàn thân bằng chế độ ăn và tập luyện cũng đồng thời làm mất lớp mỡ thừa ở chân, giúp chân nhỏ lại. Có thể kết hợp massage chân hằng ngày để đốt mỡ thừa và giúp quá trình lưu thông máu được dễ dàng hơn. Nếu các biện pháp trên không cải thiện được, người ta sẽ cân nhắc sử dụng kỹ thuật hút mỡ.
- Tập luyện thể thao không khoa học: luyện tập liên tục không ngừng nghỉ với cường độ cao khiến cho phần cơ bắp ở đùi và ở bắp chân to ra nhanh hơn. Trường hợp này nên điều chỉnh lại các bài tập của mình.
- Do yếu tố di truyền: bẩm sinh, sự phát triển cơ bắp ở chân của một số người đã có sự không cân đối. Có một số người bị “bắp chân hình củ cải" là do sự phì đại của cơ bắp chân. Khi đó, việc hút mỡ không hiệu quả mà phải dựa vào những phương pháp chuyên biệt hơn như: tiêm botulinum A toxin làm teo cơ, mổ cắt một phần hoặc cắt toàn bộ cơ sinh đôi ở bụng chân...
Cháu năm nay 14 tuổi và chân cháu chỉ là "hơi to" theo chủ quan cháu đánh giá, vậy cháu đừng quá băn khoăn. Vì cháu còn đang ở độ tuổi phát triển, cơ thể còn nhiều điều chỉnh. Khi cháu cao vượt thêm, thì có thể chân cháu sẽ có sự cân đối lại với cơ thể để trở nên thon nhỏ hơn. Hiện tại, cháu nên chú ý chế độ ăn lành mạnh, đủ chất và chú ý đến các bài tập phát triển chiều cao (nếu thấy cần thiết). Kể cả sau này mà cháu vẫn thấy mình bị chân to thì hoàn toàn có thể cân nhắc đến việc sử dụng các kỹ thuật của chuyên ngành thẩm mỹ.
Chúc cháu luôn khỏe đẹp!