THẮC MẮC

Làm thế nào để hơi thở thơm tho?

Bác sĩ cho cháu hởi làm cách nào để hơi thở được thơm tho? Cảm ơn bác sĩ.

Tư vấn

Chào cháu,
Hầu hết chúng ta đều có lúc gặp phải tình trạng hơi thở có vấn đề. Tuy nhiên, chứng hôi miệng dai dẳng có thể khiến cháu rất bối rối khi giao tiếp xã hội và khao khát có được hơi thở thơm tho.
Những nguyên nhân có thể khiến cháu có hơi thở “không được thơm tho cho lắm” bao gồm:
- Các chất sinh ra từ protein trong thực phẩm: Methyl mecaptan (khí không màu được tìm thấy trong quả hạch và pho mát, mùi như bắp cải thối); Putrescine (mùi mục nát thịt); Hydrogen sulphide (khí được sản xuất bởi vi khuẩn trong đại tràng, mùi giống như trứng thối). Những chất này có thể được hấp thụ từ ruột vào máu của cháu và sau đó lưu thông khắp cơ thể cho đến khi chúng được bài tiết qua phổi trong hơi thở.
- Nguyên nhân bên ngoài: Mỗi sáng thức dậy miệng có mùi hôi là do khi ngủ nước bọt tiết ra ít, tế bào chết tích lũy bình thường được đổ ra từ bề mặt của lưỡi, nướu và bên trong của má, vi khuẩn tự do hoạt động sinh ra nhiều mùi hôi; hút thuốc lá hoặc xì gà; uống rượu hoặc ăn các loại thực phẩm như tỏi, trứng…; ăn kiêng hoặc ăn chay không khoa học.
- Do một số bệnh: bệnh nướu răng, khó tiêu hay mất nước, nghẹt mũi, nhiễm trùng xoang, viêm amiđan và vòm họng sưng...
- Dùng một số thuốc dạng uống như thuốc cảm, dị ứng, cao huyết áp, thuốc chống trầm cảm.
Để có hơi thở thơm tho, cháu nên:
- Vệ sinh răng miệng đúng kỹ thuật, thường xuyên đánh răng sau mỗi bữa ăn và dùng chỉ nha khoa. Dùng bàn chải lông mềm, chải dọc theo chiều răng mọc hoặc xoay tròn, chải kỹ các mặt của răng. Thời gian chải răng cần đảm bảo tối thiểu 2 phút. Bạn đừng quên đánh sạch lưỡi và hai bên má trong.
- Khám răng miệng định kỳ 6 tháng/lần để kịp thời xử lý các vấn đề bệnh lý răng miệng.
- Tránh hút thuốc, uống rượu và ăn thức ăn cay.
- Làm sạch miệng sau khi ăn các sản phẩm sữa, cá và thịt.
- Nhai kẹo cao su không đường giúp bởi vì nó khuyến khích tiết nước bọt.
Xin giới thiệu với cháu một vài mẹo giúp cháu tự tin hơn với hơi thở của mình:
- Dưa chuột: Dưa chuột rửa sạch, gọt lấy vỏ, đun nước uống ngày 3 lần.
- Dưa hấu: Dưa hấu ép lấy nước uống.
- Vỏ chanh: Vỏ chanh rửa sạch, nhai kỹ nuốt dần, ngày vài lần.
- Vỏ quýt: Vỏ quýt 30g rửa sạch, thái sợi, nấu thành nước uống hàng ngày.
- Quả vải khô: Lấy 2-3 quả vải khô, bỏ vỏ, hạt, lấy cùi ngậm trước khi đi ngủ, sáng hôm sau nhổ đi, ngậm liên tục 10-15 ngày.
- Uống nước: Để phòng ngừa chứng hôi miệng, bạn chỉ nên uống nước 15 phút sau bữa ăn. Không uống nước trong và trước khi ăn, sẽ gây nên những ảnh hưởng xấu tới hệ tiêu hóa.
- Mật ong và quế: Cho 1 thìa cà phê mật ong và quế vào nước ấm và dùng hỗn hợp này để súc miệng.
- Rau mùi tàu: Lấy một nắm rau mùi tàu cho vào sắc với nước thật đặc, cho thêm một ít muối để lấy nước ngậm và súc họng. Ngậm vài phút trong miệng rồi mới nhổ ra. Làm như vậy nhiều lần trong ngày, liên tục 5-6 ngày bệnh sẽ đỡ hơn.
- Húng chanh: Húng chanh sắc lấy nước đặc để ngậm và súc miệng trong ngày. Ngậm nước húng chanh trong miệng một lúc mới nhổ đi, ngày súc miệng vài lần và làm liên tục trong vài ngày thì hơi thở sẽ bớt mùi hôi.
- Hương nhu: Lấy 40g hương nhu sắc với 200ml nước và cô đặc lại lấy nước để ngậm và súc miệng. Súc miệng nước này thường xuyên vào buổi sáng ngủ dậy và tối trước khi đi ngủ. Khi súc miệng nên ngậm trong miệng 1-2 phút rồi mới nhổ ra. Súc miệng liên tục như vậy trong nhiều ngày để cho hơi thở thơm tho hơn.
- Hạt cỏ cà ri: Lấy 1 thìa cà phê hạt cỏ cà ri và đun sôi chúng trong 1 lít nước trong khoảng 15 phút và dùng nước này để uống.
- Cánh hoa hồng: Đun hoa hồng lấy nước để nguội, ngậm như ngậm nước muối. Cũng có thể nhai cánh hoa trực tiếp, ngậm một lát rồi nhổ đi.
- Hoa quế: Lấy 3 lạng hoa quế, 1 bình rượu gạo, 1 thìa cà phê muối. Pha nước muối rửa sạch hoa quế, vớt ra để ráo, để khô tự nhiên, cho hoa quế vào rượu gạo, đậy kín nắp, sau 30 ngày đem dùng dần.
- Hoa hồi: Cứ mỗi ngày lấy vài cánh hoa hồi nhai và nuốt liên tục mấy ngày sẽ khỏi hôi miệng.
Chúc cháu thành công!