THẮC MẮC

Làm thế nào để tiêu hóa tốt?

Dạo này cháu ăn uống không tiêu hóa, sau khi ăn cảm thấy khó chịu và nóng ở vùng bụng. Vậy làm thế nào để trị chứng bệnh này. Cảm ơn bác sĩ!

Tư vấn

Chào cháu!
Theo cháu mô tả có thể cháu bị chứng khó tiêu. Khi mắc phải chứng này, cháu sẽ thấy chướng bụng, đầy hơi, khó chịu, ăn mau no (đặc biệt là sau khi ăn). Chứng khó tiêu có thể là do nguyên nhân rối loạn hay nhiễm khuẩn của cơ quan tiêu hoá. Có thể đây là triệu chứng của hội chứng dạ dày - tá tràng, nhiễm khuẩn đường ruột hoặc thực quản. Ngoài các triệu chứng đã mô tả có thể còn gặp các triệu chứng đau hoặc nóng rát vùng thượng vị. Tuy không gây ra những hậu quả nghiêm trọng nhưng nếu tình trạng này kéo dài mà không điều trị thì có thể sẽ gây ra những biến chứng nghiêm trọng.
Người ta chia khó tiêu thành 2 thể: khó tiêu chức năng và khó tiêu thực thể.
- Khó tiêu chức năng: không có nguyên nhân cụ thể, tuy nhiên một số chế độ ăn có thể làm cho bệnh nặng thêm như ăn thức ăn chua, cay, nhiều tinh bột, nhiều dầu mỡ, nhiều gia vị; do ăn quá nhanh nhai không kỹ, ăn uống không đúng giờ giấc, không khoa học; do lạm dụng một số chất kích thích như rượu, thuốc lá, cafe; do căng thẳng thần kinh, stress...
- Khó tiêu thực thể: do các nguyên nhân như loét dạ dày-hành tá tràng (do nhiễm vi khuẩn herlicobacter pylori), do bệnh lý của thực quản hoặc do tác dụng phụ trên đường tiêu hoá của một số thuốc chữa bệnh (thuốc chống viêm, giảm đau...).
Vì vậy, để giảm bớt triệu chứng khó tiêu, cháu nên điều chỉnh lại ngay chế độ ăn của mình: tránh ăn nhiều dầu mỡ, nên ăn thức ăn có nhiều chất xơ và ít béo. Nên ăn thức ăn mềm và lỏng để dễ tiêu hoá, chia thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày. Tránh ăn những loại thức ăn cứng và với số lượng nhiều...
Một số điều cháu nên tránh khi ăn uống: ăn quá no; ăn trước khi ngủ; uống nhiều chất kích thích như rượu, cafe, nước cam; ăn nhiều chất béo, chocolat, ớt và hạt tiêu; hút thuốc lá; tránh bị stress...
Cháu nên luyện tập thể dục thể thao và kết hợp với nghỉ ngơi, thư giãn điều độ và chú trọng đến giấc ngủ (ngủ đủ thời gian - 8 giờ/ngày; tránh ngủ quá khuya...), nên uống nhiều nước (khoảng 1,5-2 lít nước/ngày)
Khi cháu có một tâm trạng thoải mái sẽ giúp cho hệ tiêu hoá làm việc hiệu quả hơn.
Vì vậy, trước khi điều trị cháu cần tìm hiểu kỹ nguyên nhân, tránh lạm dụng thuốc, thay đổi thói quen ăn uống một cách hợp lý (một cách phòng bệnh tại nhà).
Nếu sau khi thực hiện các thay đổi về chế độ ăn uống mà các triệu chứng trên không thuyên giảm thì cháu nên đi khám (chuyên khoa tiêu hoá) để chẩn đoán chính xác bệnh và có phác đồ điều trị hiệu quả.
Chúc cháu mau khỏi!