THẮC MẮC

Mắc bệnh lỵ amip có thể tự điều trị tại nhà?

Thưa Bác sĩ! Tôi năm nay 35 tuổi, là nam giới. Hai hôm nay tôi bị đau bụng đi ngoài ra mau tươi có chất nhầy, từ trước tôi chưa bị bao giờ. Triệu chứng giống bị bệnh lỵ amíp. Tối tự mua thuốc uống được không. Nếu mua thì mua thuốc gì?

Tư vấn

Chào bạn!
Trước hết bạn cần biết bệnh do amip là bệnh nhiễm đơn bào Entamoeba histolytica, bệnh gây tổn thương đặc trưng là loét ở niêm mạc đại tràng và có khả năng gây ra các ổ áp xe ở những cơ quan khác nhau (gan, não...). Bệnh có xu hướng kéo dài và mạn tính nếu không được điều trị tích cực. Khoảng 90% các trường hợp nhiễm amip là không có triệu chứng. Bệnh được chia ra amíp ruột và ngoài ruột.
Bệnh amip ruột là thể lâm sàng cơ bản của bệnh do E. histolytica gây ra. Theo tiến triển của bệnh amip ruột có thể chia ra các thể sau:
Lỵ amip cấp tính:
Nung bệnh:
Kéo dài từ 1-2 tuần cho tới 3 tháng.
Khởi phát:
Có thể từ từ hoặc cấp tính. Một số bệnh nhân có thể thấy dấu hiệu tiến triển: Mệt mỏi, chán ăn, chóng mặt, đau bụng... Điểm khác cơ bản với bệnh lỵ trực khuẩn là bệnh nhân lỵ amip thường cảm thấy sức khoẻ tương đối bình thường, hôi chứng nhiễm trùng, nhiễm độc không rõ ràng, bệnh nhân thường không có sốt hoặc sốt rất nhẹ, bạch cầu không tăng.
Toàn phát:
Đặc trưng của bệnh lỵ amip là những triệu chứng tổn thương của đại tràng còn gọi là hội chứng lỵ. Hội chứng lỵ gồm 3 triệu chứng chủ yếu là:
Đau quặn bụng: Bệnh nhân lỵ amip thường đau bụng quặn từng cơn ở vùng hố chậu phải (tương ứng với vùng hồi manh tràng). ở những trường hợp bệnh kéo dài có thể thấy đau cả vùng 2 hố chậu (tổn thương tới đại tràng xích ma và trực tràng).
Mót rặn và đi ngoài "giả": Bệnh nhân thường xuyên cảm giác mót rặn sau mỗi cơn đau quặn, đi ngoài phải rặn nhiều và nếu kéo dài có thể dẫn tới biến chứng trĩ hoặc sa niêm mạc trực tràng. ở bệnh nhân lỵ amip thường thấy đi ngoài "giả" tức là rất mót đi ngoài nhưng lại không có phân, khác hẳn ở lỵ trực khuẩn mót đi ngoài thì thường ít nhiều đều có phân.
Đi ngoài nhiều lần, phân nhầy máu: Số lần đi ngoài ở bệnh nhân lỵ amip thường từ 4-10 lần/ngày, ít khi đi ngoài nhiều lần như lỵ trực khuẩn. Lúc đầu phân thường lỏng, có bã phân nhưng những ngày sau phân chỉ còn nhầy trong như nhựa chuối và máu. Nhầy và máu thường riêng rẽ chứ không hoà lẫn với nhau như ở lỵ trực khuẩn.
ở bệnh nhân lỵ amip ngoài những biểu hiện ở ruột, những cơ quan khác rất ít biến đổi. Xét nghiệm máu và nước tiểu đều trong giới hạn bình thường.
Lỵ amip mạn tính:
Lỵ amip cấp tính thường kéo dài 4-6 tuần, nếu không được điều trị đặc hiệu thì sẽ chuyển sang mạn tính hầu. Sau thời kỳ cấp tính dù không được điều trị bệnh nhân cũng cảm thấy đỡ dần, số lần đi ngoài giảm dần như có xu hướng khỏi. Tuy vậy bệnh vẫn diễn biến âm ỉ mạn tính và sẽ có những đợt tái phát cấp tính. Chính vì vậy lỵ amip mạn tính được chia ra 2 thể: Mạn tính có từng đợt tái phát xen kẽ với những thời gian bình thường và mạn tính liên tục. Lỵ amip mạn tính có thể kéo dài tới 10 năm hoặc lâu hơn nữa.
Đại tràng là nơi cư trú đầu tiên của amip do vậy thể amip ruột là thể bệnh cơ bản hầu như các bệnh nhân đều trải qua. Hội chứng lỵ là hội chứng cơ bản trong bệnh do amip với các triệu chứng sau: Đau bụng dọc khung đại tràng nhất là vùng manh tràng, đại tràng lên, mót rặn. Đi ngoài xong đỡ đau, phân có nhầy trong và máu, nhầy và máu riêng rẽ. Số lần đi ngoài 4-10 lần trong ngày, có lần đi ngoài “giả”. Hội chứng nhiễm trùng nhiễm độc không rõ ràng. Bệnh nhân có thể sốt nhẹ, sốt thất thường trong ngày hoặc không sốt, các triệu chứng nhiễm độc nhẹ, không rõ ràng. Để chẩn đoán quyết định phải căn cứ xét nghiệm xác định E. histolytica ở trong phân, mủ các ổ áp xe của bệnh nhân. Phương pháp thông thường nhất là lấy bệnh phẩm soi tươi trên kính hiển vi quang học (phải soi ngay khi mới lấy bệnh phẩm). Ngoài ra có thể ứng dụng phương pháp miễn dịch huỳnh quang, phản ứng kết hợp bổ thể hoặc nuôi cấy amip ở môi trường nhân tạo và cấy truyền bệnh cho động vật thực nghiệm (mèo, chuột...).
Bạn bị đau bụng đi ngoài ra mau tươi có chất nhầy, triệu chứng giống bị bệnh lỵ amíp. Có thể bạn bị mắc hội chứng lỵ. Bạn cần xem các triệu chứng của mình có giống với các triệu chứng của hội chứng lỵ như trên không. Tuy nhiên, do không có xét nghiệm nên bạn vẫn cần loại trừ và cần phải phân biệt với bệnh lỵ trực khuẩn vì đều có hội chứng lỵ. Tuy vậy, bệnh lỵ trực khuẩn thường diễn biến cấp tính với hội chứng nhiễm trùng nhiễm độc rõ. Các triệu chứng của hội chứng lỵ cũng khác: Đau bụng dọc theo khung đại tràng, đặc biệt là đại tràng xích ma và trực tràng, đi ngoài nhiều lần, phân nhầy đục máu lẫn lộn, hoặc loãng như nước rửa thịt...Bạn bị lần đầu nên không cần phân biệt với viêm đại tràng mạn, với bệnh Crohn, bệnh loét đại tràng, với loạn khuẩn ruột, với nhiễm độc kim loại nặng (chì,thuỷ ngân...), với hội chứng tăng urê huyết. Phân biệt với các khối u đại trực tràng, khối u vùng tiểu khung..Bạn hãy nên đi xét nghiệm trước khi dùng thuốc. Trường hợp bạn không thể đi xét nghiệm được và có thể loại trừ được các nguyên nhân trên thì bạn có thể dùng một trong các thuốc sau:
Emetin: Liều 1 mg/kg nặng/ngày, tiêm bắp thịt trong vòng 5-7 ngày (0,04-0,06 gam/ngày; liều cả đợt: 0,01 gam/kg nặng). Trong những trường hợp cần thiết có thể dùng đợt nhắc lại, nhưng phải cách đợt đầu 45 ngày.
Dehydroemetin (Mebadin): Tác dụng mạnh gấp 2 lần Emetin và ít độc hơn. Liều dùng 1mg/kg thể trạng/24 giờ, tiêm bắp thịt 5-7 ngày.
Metronidazol (Flagyl, Klion): Viên 0,25g dùng với liều 25-30mg/kg/ngày, trong 10 ngày.
Điều trị kết hợp nospa 40 mg ngày 4 viên, smecta ngày 2 hoặc 3 gói.
Chúc bạn chóng khỏi!