THẮC MẮC

Mất kinh do ngưng uống thuốc ngừa thai phải làm sao?

Chào Bác sĩ! Vợ em 26 tuổi, có 1 bé trai 5 tuổi. Khoảng 2 năm nay vợ em có dùng thuốc tránh thai hàng ngày (viên hồng) và khoảng 2 tháng nay vợ em ngưng dùng thuốc do tháng vừa rồi vợ em bệnh nên phải nằm bệnh viện theo dõi. Bác sĩ cho em hỏi vợ em 2 tháng nay không thấy kinh nguyệt trở lại tới chu kì, vợ em đau nhức mình, khó chịu ra huyết trắng nhưng tuyệt đối không hành kinh, đã thử que nhưng không có dấu hiệu có em bé. Vậy không biết vợ em có bị gì không ạ? Và liệu bây giờ dùng thuốc trở lại thì phải dùng như thế nào cho đúng, tại vợ em vẫn chưa có kinh trở lại. Mong Bác sĩ giải đáp. Cảm ơn Bác sĩ!

Tư vấn

Chào bạn!
Thuốc tránh thai hàng ngày có 2 loại đó là loại đơn thuần có 1 nội tiết tố và loại tổng hợp tức là có 2 nội tiết tố.
Cơ chế của thuốc tránh thai hàng ngày đó là ức chế sự rụng trứng, làm mỏng niêm mạc tử cung, làm đặc chất nhầy cổ tử cung và có tác dụng giúp chu kỳ kinh trở nên đều hơn. Bên cạnh đó, thuốc cũng có một số tác dụng phụ như rong kinh, rong huyết, tăng cân, còn vô kinh hiếm khi xảy ra đối với thuốc uống hàng ngày.
Trường hợp của vợ bạn hiện tại, không có kinh thì trước hết cần nghĩ tới có thai. Mặc dù bạn đã thử que thử cho kết quả âm tính nhưng que thử cũng có sai số nhất định nên để khẳng định chắc chắn có thai hay không thì vợ bạn cần làm thêm một số xét nghiệm như: siêu âm kiểm tra, định lượng hCG. Trường hợp chắc chắn không có thai thì có thể uống lại thuốc tránh thai hàng ngày luôn được và lấy ngày bắt đầu uống là mốc đầu tiên.
Huyết trắng là theo cách gọi dân gian, còn trong y học gọi là dịch tiết âm đạo. Bình thường, phụ nữ tuổi trưởng thành đều có dịch âm đạo, dịch thay đổi theo chu kỳ kinh nguyệt, tăng nhiều khi gần thời điểm rụng trứng hoặc khi có ham muốn tình dục, quan hệ tình dục. Thông thường, dịch âm đạo có màu hơi đục hoặc trong, nếu dịch thay đổi màu sắc, mùi khó chịu (lẫn mủ xanh, vàng, máu có mùi tanh hôi,…) là biểu hiện của viêm nhiễm, khi đó cần đi khám và điều trị kịp thời.
Thân mến!
Nội dung do Vụ Sức khỏe Bà mẹ, trẻ em – Bộ Y tế kiểm duyệt