THẮC MẮC

Mẹ tôi năm 2014 đã bị viêm tụy lên nằm viện 1 tuần về nhà sinh hoạt bình thường

Mẹ tôi năm 2014 đã bị viêm tụy lên nằm viện 1 tuần về nhà sinh hoạt bình thường. Đến cuối năm 2016 bệnh tái phát. Thể trạng hiện tại các cơ quan trong cơ thể bình thường, chỉ có tuyến tụy bị sưng và kết luận khi chụp ct là bị hoại tử tụy. Xin lời khuyên của bác sĩ về chế độ dinh dưỡng. Và cách điều trị bệnh. Tôi xin cảm ơn.

Tư vấn

 Chào bạn!
Tụy là một tuyến lớn nằm sau dạ dày và gần tá tràng. Tụy tiết ra các men tiêu hoá đổ vào tá tràng qua ống tuỵ. Các men này giúp tiêu hoá chất mỡ, các protein, và chất đường bột trong thức ăn hàng ngày. Tụy còn tiết ra insulin và glucagon vào máu. Các hormon này giúp cơ thể sử dụng đường glucose từ thức ăn để làm năng lượng hoạt động.
Bình thường các men tiêu hoá không hoạt động cho tới khi chúng đến ruột non, nơi chúng bắt đầu tiêu hoá thức ăn. Nhưng nếu các men này bị kích hoạt khi còn ở trong tuyến tụy, chúng sẽ bắt đầu tiêu hoá ngay bản thân tuyến tuỵ.
Có 2 thể viêm tụy: viêm tuỵ cấp và viêm tụy mãn
- Viêm tụy cấp xảy ra đột ngột, giảm bớt sau một thời gian ngắn và thường hồi phục, nhưng đôi khi viêm tụy cấp có thể trở nặng đe doạ tính mạng và gây nhiều biến chứng.
- Viêm tuỵ mãn không tự khỏi, kết quả là tuyến tuỵ bị tiêu huỷ từ từ.
Cả hai thể viêm tuỵ đều có thể gây những biến chứng nặng như xuất huyết, tổn thương mô học và nhiễm trùng. Nang giả tuỵ có thể hình thành do kết tụ của các dịch và mô hoại tử. Các men tiêu hoá của tuỵ và độc tố khi vào máu sẽ gây tổn thương tim, phổi, thận hoặc các cơ quan khác…
- Viêm tuỵ cấp hay gặp ở nam giới, thường do sỏi mật, hoặc uống quá nhiều rượu, do rối loạn chuyển hóa lipid.
- Viêm tụy mãn xảy ra khi các men tiêu hoá tấn công, phá huỷ tuyến tuỵ và các mô lân cận, gây đau và hình thành mô sẹo. Viêm tuỵ mãn thường xảy ra khi uống rượu nhiều trong nhiều năm, hoặc khởi phát chỉ sau một đợt cấp duy nhất, đặc biệt khi các ống tuỵ bị tổn thương. Ống tuỵ tổn thương gây viêm tuỵ, mô tuỵ bị phá huỷ và thay thế bằng mô sẹo.
Nguyên nhân gây viêm tụy mãn:
- Nghiện rượu
- Tắc nghẽn hoặc hẹp ống tuỵ do chấn thương hoặc do hình thành nang giả tuỵ
- Nguyên nhân di truyền không xác định (vô căn)
- Tình trạng di truyền như trường hợp tụy chia đôi (pancreas divisum)
- Xơ nang phổi (cystic fibrosis)
- Tăng calcium trong máu (hypercalcemia)
- Tăng mỡ máu (hyperlipidemia hoặc hypertriglyceridemia)
Viêm tụy cấp hay các đợt cấp của viêm tụy mãn là một trong các cấp cứu nội khoa cần được xử lý ở các cơ sở khám chữa bệnh có đầy đủ phương tiện cấp cứu. Việc điều trị tuỳ thuộc độ trầm trọng của bệnh. Nếu không có biến chứng ở thận hoặc phổi, viêm tuỵ cấp thường tự cải thiện. Điều trị thường nhằm mục đích hỗ trợ các chức năng quan trọng của cơ thể và phòng ngừa biến chứng. Những ngày đầu truyền dịch nuôi dưỡng thay thế bằng đường tĩnh mạch, giảm đau, giảm tiết, cân bằng nước điện giải,phòng chống sốc, kháng sinh khi có sốt… cho ăn sớm khi hết đau, phẫu thuật khi nang giả tuỵ khá lớn, viêm tụy do sỏi. Nếu sỏi kẹt cơ oddi sẽ được giải quyết bằng phương pháp nội soi chụp mật tuỵ ngược dòng ERCP.
Viêm tụy mạn tính được điều trị:
- Giảm đau là bước đầu tiên trong điều trị viêm tuỵ mãn. Bước kế tiếp là thiết lập một chế độ ăn giàu đường bột và ít chất béo.
- Có thể chỉ định dùng men tuỵ nếu tuỵ không còn đáp ứng đủ. Men cần uống theo mỗi bữa ăn để giúp cơ thể tiêu hoá thức ăn và phục hồi lại cân nặng. Đôi khi cần dùng insulin và một số thuốc khác đề kiểm soát đường huyết.
- Một số trường hợp cần điều trị phẫu thuật để giảm đau. Phẫu thuật được dùng để dẫn lưu ống tụy dãn to do tắc nghẽn hoặc cắt bỏ một phẩn tuỵ bị hoại tử.
- Đối với những trường hợp cơn xảy ra thưa và nhẹ hơn bệnh nhân cần bỏ rượu, tuân thủ chặt chẽ chế độ ăn, và uống thuốc đầy đủ.
Bạn nên đưa mẹ đến khám và điều trị tại chuyên khoa Tiêu hóa các bệnh viện trung ương uy tín.
Chúc bạn và gia đình sức khỏe!