THẮC MẮC

Mệt mỏi, khó chịu, xuống cân

Thư Bác sĩ! Dạo này em thấy người mình hay mệt mỏi, khó chịu, và xuống cân. Vậy em cần làm gì để cải thiện ạ?

Tư vấn

Biểu hiện mệt mỏi, khó chịu của cơ thể là những rối loạn đặc trưng bởi sự mệt mỏi, yếu sức và những khó chịu khác về cơ thể, thể trạng và thần kinh tâm lý như mệt mỏi, khó tập trung sự chú ý, đau đầu, đau cơ, đau khớp, khó ngủ, các rối loạn tâm lý, đau họng, sốt nhẹ. Mệt mỏi thường gặp sau nhiễm virut kết hợp với các rối loạn miễn dịch và thường kèm theo trầm cảm. Có một số virut (Herpes, Retrovirus, Enterovirus...) là các tác nhân gây bệnh tiềm tàng.
Một số các nghiên cứu gần đây ch thấy có sự bất thường về chức năng nội tiết làm giảm sản xuất hormon giải phóng corticotropin ở vùng dưới đồi. Độ tập trung cortisol trung bình thấp hơn người bình thường, mức độ ACTH lại cao.
Sút cân ở một người khỏe mạnh không sử dụng các biện pháp ăn kiêng thường là một triệu chứng báo hiệu một bệnh tiềm ẩn. Sút cân mà không có các lý do về ăn uống thì còn nghiêm trọng hơn cả, khi bị sút cân thường có các dấu hiệu liên quan về bệnh tật của một cơ quan nào đó, trong đó có rất nhiều nguyên nhân gây nên sút cân bất thường. Nếu ở người cao tuổi, sút cân bất thường có thể gặp nhất là trầm cảm, bệnh đường tiêu hóa lành tính và ung thư, trong đó hay gặp nhất là lao phổi, ung thư phổi và tiêu hóa...
Ở các lứa tuổi trẻ hơn, sút cân có thể gặp là do các bệnh đái tháo đường, cường giáp, rối loạn ăn uống và nhiễm khuẩn, đặc biệt là nhiễm HIV...Số cân của một người bình thường luôn ổn định trong thời gian dài, cho nên nếu thấy sút 5% trọng lượng cơ thể trong vòng 6 tháng là điều bất thường. Nếu sút cân nhanh chỉ trong vài ngày là do cơ thể bị mất nước, còn sút cân từ từ là do tiêu các mô của cơ thể - điều này có thể là bạn đã mắc một số bệnh nào đó.
Khi bạn thấy cơ thể mệt mỏi, khó chịu và xuống cân không rõ nguyên nhân là dấu hiệu báo cơ thể bạn đã bị bệnh tiềm ẩn. Vì vậy, bạn cần phải đi khám sức khỏe để được tư vấn tìm nguyên nhân và điều trị kịp thời, sau đó bạn cần có lối sống lành mạnh, hoạt động thể lực và sinh hoạt phù hợp.
Bạn cần thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, đồng thời có chế độ dinh dưỡng hợp lý, hạn chế ăn chất đạm, mỡ từ động vật, không uống rượu bia và sử dụng các chất kích thích, tăng cường cung cấp vitamin, các yếu tố vi lượng và chất xơ. Không lạm dụng thuốc chữa bệnh và mỹ phẩm, bạn cần sử dụng thuốc theo chỉ định của thầy thuốc, đồng thời bạn cần rèn luyện tinh thần thoải mái, suy nghĩ tích cực giảm stress, đặc biệt bạn phải thường xuyên tự thải độc cơ thể định kỳ.