THẮC MẮC

Mỗi lần về quê là em bị dị ứng

Năm nay em 19 tuổi. Mỗi lần về quê chơi thì em thường bị hắt hơi nhiều lần kèm theo ngứa mũi và chảy nước mắt. Về thành phố thì không bị như vậy nữa. Xin Bác sĩ cho em biết nguyên nhân và cách chữa trị. Xin cảm ơn!

Tư vấn

Chào em!
Theo như em kể thì khả năng nhiều em bị viêm mũi dị ứng.
Viêm mũi dị ứng bản chất là sự phản ứng miễn dịch của mũi xoang trước các tác nhân kích thích từ môi trường như: thời tiết, bụi bẩn, phấn hoa, nấm mốc, mùi lạ, khói bụi, nhiệt độ, độ ẩm, nấm mốc… Các dị nguyên này có thể xâm nhập qua hít thở hoặc tiếp xúc trực tiếp.
Viêm mũi dị ứng rất phổ biến. Có người bị quanh năm. Có người chỉ bị nặng vào một thời gian trong năm, thường là mùa xuân, mùa hè hoặc mùa thu hoặc ở miền bắc thì bị, còn vào miền nam lại không bị... Triệu chứng thường gặp sổ mũi, nghẹt mũi, hắt hơi, và cảm giác nặng vùng xoang mặt sau khi hít hoăc tiếp xúc trực tiếp với dị nguyên. Triệu chứng có thể rất khó chịu, làm mất thời gian và ảnh hưởng sinh hoạt hàng ngày. Ngoài ra bệnh còn gây ra biến chứng như: viêm xoang do tắc các lỗ thông xoang; viêm mũi xoang nhiễm trùng vì ứ đọng dịch tiết, tạo điều kiện cho vi trùng phát triển; viêm họng - viêm thanh quản do phải thở bằng miệng; viêm tai giữa do tắc vòi nhĩ; viêm mũi quá phát…
Viêm mũi dị ứng là loại bệnh khó điều trị khỏi hoàn toàn, vì cơ địa dị ứng của người bệnh, và vì rất khó loại trừ các dị nguyên khỏi môi trường sống. Điều trị viêm mũi dị ứng không thể có một công thức, một phác đồ chung cho mọi trường hợp, mà phải tìm cho mỗi trường hợp một phương pháp thích hợp.
Cách điều trị viêm mũi dị ứng hay nhất là tránh tiếp xúc với chất dị ứng. Tốt nhất em nên đi khám chuyên khoa tai mũi họng tìm nguyên nhân và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Khi tìm được nguyên nhân bác sĩ sẽ điều trị cho em bằng phương pháp giải mẫn cảm. Ngoài ra bác sĩ sẽ dùng kháng histamine. Em không nên tự ý dùng thuốc.
Để phòng tránh em cần hạn chế tối đa việc nuôi chó, mèo trong nhà. Cần giặt giũ định kỳ chăn, ga, gối, đệm, rèm cửa. Môi trường sống, học tập, làm việc cần thoáng, mát, sạch sẽ, tránh ẩm ướt để hạn chế nấm mốc phát triển. Hạn chế tối đa việc hút thuốc lá. Tránh hoặc hạn chế tiếp xúc với bụi. Cần đeo khẩu trang khi quét dọn nhà và khi ra đường. Đồng thời giữ ấm cơ thể khi nhiệt độ cơ thể thay đổi hoặc khi chuyển mùa. Em nên vệ sinh mũi họng thường xuyên bằng nước muối sinh lí 0,9%.
Chúc em vui vẻ!