THẮC MẮC

Nam 17 tuổi bị đau nhức hậu môn

Thưa Bác sĩ! Em năm nay 17 tuổi, giới tính Nam, hậu môn em gần đây đau nhức khi đi đại tiện và trong sinh hoạt, mỗi lần đại tiện thì như bị táo bón rất đau khó đi, hậu môn em có hiện tượng giãn ra so với trước. Em xin hỏi Bác sĩ đó có phải bệnh trĩ hay không. Hay bệnh khác? và cách điều trị thế nào? Em cảm ơn.

Tư vấn

Chào bạn !
Hiện tượng bạn mô tả bị đau nhức hậu môn mỗi khi đi đại tiện, có cảm giác khó đi cầu và giống như táo bón. Hiện tượng bạn mô tả nêu trên không đề cập đến dấu hiệu đặc trưng của bệnh trĩ là đi ngoài ra máu tươi (máu thường có ở cuối bãi phân) và có thể có sa búi trĩ. Do vậy tôi không nghĩ đến bạn mắc bệnh trĩ nếu bạn không có triệu chứng đi ngoài ra máu tươi. Các chứng bệnh làm bạn thấy đau và khó khăn mỗi khi đi ngoài là táo bón, viêm nứt kẽ hậu môn, áp xe quanh hậu môn trực tràng, rò hậu môn...
Nứt kẽ hậu môn thường xảy ra ở những người có ống hậu môn hẹp, nứt kẽ hậu môn cũng thường gặp ở những người thường xuyên mắc chứng táo bón khiến cho việc đi cầu thường xuyên phải dặn, phân táo dẫn tới nứt kẽ hậu môn, viêm nhiễm…
Viêm nhiễm vùng hậu môn trực tràng do các nguyên nhân khác nhau như vệ sinh kém, nhiễm kí sinh trùng, viêm nhiễm tại chỗ vùng hậu môn trực tràng nếu không được điều trị triệt để sẽ dẫn tới áp xe hậu môn, trực tràng hoặc rò hậu môn, trưc tràng.
Điều trị chứng đau nhức hậu môn trực tràng cần phải điều trị theo nguyên nhân:
Điều trị bệnh trĩ: Bạn cần thực hiện chế độ ăn kiêng bia rượu, gia vị và các chất kích thích, sử dụng thuốc cải thiện tuần hoàn tĩnh mạch như Daflon hoặc các thuốc đặt tại chỗ như Protolog. Kết hợp chế độ ăn uống đủ rau xanhm chát xơ, uống nhiều nước, vận động tránh táo bón.
Điều trị nứt kẽ hậu môn: Điều trị viêm nhiễm, sử dụng kết hợp thuốc đặt tại chỗ như Protolog với kháng sinh toàn thân đường uống, và thực hiện chế độ ăn uống tránh táo bón.
Điều trị áp xe hậu môn trực tràng: Trích rạch áp xe, dẫn lưu mủ và sử dụng thuốc kháng sinh, chống viêm. Áp xe hậu môn trực tràng nếu không được điều trị dễ dẫn tới rò hậu môn.
Điều trị rò hậu môn: Điều trị phẫu thuật mở rộng đường rò thông suốt, phá bỏ đường dò, lấy hết tổ chức sơ. Quá trình phẫu thuật chú ý bảo tồn cơ thắt hậu môn.
Để biết chính xác tình trạng bệnh tật và phương pháp điều trị, bạn không nên ngại ngần và trì hoãn việc đi khám Bác sĩ. Bạn nên đi khám sớm để có chỉ định điều trị phù hợp. Chúc bạn sớm khỏi bệnh !