THẮC MẮC

Nam 22 tuổi bị hấp thu kém cần ăn gì?

Thưa Bác sĩ! Chồng em năm nay 22 tuổi, anh ấy bị đau dạ dày nhưng vẫn uống rượu say khi có việc hoặc đi cùng bạn bè (nhưng không thường xuyên). Nhiều lúc tự nhiên anh ấy hay bị đau bụng và mệt mỏi, có hôm thì bị đau nhức đầu. Em không biết anh bị sao, do bận việc nên anh không đi khám được. Anh ấy từ nhỏ bị suy dinh dưỡng nên rất gầy, hiện tại cũng vậy dù ăn nhiều, uống sữa (em cho uống sữa ông thọ vì thấy mọi người nói uống sữa này sẽ nhanh béo) nhưng anh ấy vẫn không thể tăng cân (thanh niên ở tuổi này mà chỉ được 43kg). Em rất lo cho sức khỏe của anh ấy. Em xin hỏi anh ấy nên ăn gì? và không nên ăn gì? (Vì anh ấy đi làm nên nhiều đêm phải thức khuya) và làm sao để anh ấy tăng cân được thưa Bác sĩ?

Tư vấn

Chào bạn!
Để đánh giá và theo dõi cân nặng hợp lý của chồng, bạn cần nhớ chỉ số khối cơ thể (BMI), tính bằng cân nặng cơ thể (kg) chia cho chiều cao (mét) bình phương, khi BMI từ 18,5 đến 24 kg/m2 là bình thường. Không rõ chồng bạn cao bao nhiêu, song với cân nặng 43kg, chồng bạn có thể thiếu cân hoặc gầy.
Một số nguyên nhân gây nên tình trạng thiếu cân mà chồng bạn có thể mắc phải, bao gồm:
- Ăn uống không hợp lý: chế độ ăn mất cân bằng, không cung cấp đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của cơ thể; thói quen ăn uống thất thường, hay bỏ bữa hoặc ăn vặt nhiều đồ ăn béo và ngọt khiến đến bữa chính lại no, không ăn được; ăn ít hoặc nhịn ăn do sợ béo... Bạn sử dụng sữa Ông Thọ là loại sữa đặc có đường, nếu uống trước bữa ăn có thể gây ngang bụng, sẽ không giúp chồng bạn lên cân.
- Cơ thể kém chuyển hóa và hấp thu các chất dinh dưỡng. Nếu từ nhỏ, chồng bạn đã bị suy dinh dưỡng kéo dài thì có thể việc chuyển hóa và hấp thu dưỡng chất cũng bị ảnh hưởng.
- Thói quen lười vận động không chỉ gây ra béo phì mà cũng là nguyên nhân chính khiến cơ thể rơi vào tình trạng thiếu cân.
- Mất ngủ hoặc ngủ quá ít làm tiêu hao khá nhiều năng lượng, đồng thời gây nên tình trạng căng thẳng, mệt mỏi kéo dài càng làm cơ thể bạn thêm gầy yếu.
- Mắc các bệnh lý đường tiêu hoá (viêm loét dạ dày, nhiễm ký sinh trùng đường ruột...), rối loạn chuyển hóa nội tiết (bệnh Basedow, tiểu đường...). Không rõ chồng bạn bị đau dạ dày từ bao giờ, đã được điều trị ra sao và kết quả thế nào. Nếu không được điều trị thích hợp, bệnh lý dạ dày sẽ ảnh hưởng đến việc tiêu hóa và hấp thu thức ăn khiến cơ thể gầy gò.
- Yếu tố di truyền: Nếu bố mẹ chồng bạn có dáng người mảnh khảnh thì rất có thể chồng bạn cũng sẽ được thừa hưởng và sở hữu một vóc dáng như vậy.
Việc bạn quan tâm, lo lắng tìm cách tăng cường sức khỏe cho chồng là rất đáng hoan nghênh, nhưng bạn cần phải biết cách thuyết phục chồng cùng phối hợp thực hiện. Để cải thiện tình trạng sức khỏe hiện tại của chồng bạn, không chỉ có chế độ ăn là đủ, mà đòi hỏi chồng bạn từ bỏ một số thói quen có hại cho sức khỏe như uống rượu, ăn uống thất thường... Trước hết, chồng bạn cần đi khám bệnh để phát hiện các bệnh lý hiện tại có thể mắc, điều trị triệt để các bệnh đó. Đồng thời với việc điều trị, cần có chế độ ăn uống hợp lý và phù hợp với khẩu vị, nguồn thực phẩm sẵn có tại địa phương. Bạn có thể đến các phòng khám tư vấn dinh dưỡng tại địa phương để được hướng dẫn cụ thể về cách xây dựng thực đơn hằng ngày cho gia đình.
Chúc bạn và gia đình vui, khỏe!