THẮC MẮC

Nguyên nhân và cách phòng tránh táo bón ở trẻ sơ sinh

Thưa Bác sĩ, em bé nhà em được 2 tháng tuổi, dùng cả sữa mẹ và sữa ngoài. Thời gian đầu, bé vẫn đi cầu bình thường. Nhưng một tháng rưỡi trở lại đây, em phải bơm, bé mới đi cầu được. Ngoài ra, bé rất đau và khóc nhiều. Có phải do chế độ nuôi sữa ngoài khiến bé mắc chứng bệnh này không? Làm thế nào để bé đi cầu bình thường được ạ?

Tư vấn

Chào bạn !
Bé nhà bạn được 2 tháng tuổi, cháu vừa bú mẹ vừa cho ăn sữa ngoài, gần một tháng rưỡi trở lại đây bé đi ngoài khó khăn và bạn phải dùng thuốc thụt cho bé làm bạn rất băn khoăn. Để giúp bạn hiểu đúng thế nào là táo bón ở trẻ sơ sinh và cách phòng tránh tôi xin cung cấp một số thông tin sau đây:
Táo bón là tình trạng phân trở nên khô và rắn hơn bình thường khiến cho việc đi ngoài trở nên khó khăn, trẻ có thể đào thải hoặc không đào thải được phân ra khỏi cơ thể sau một khoảng thời gian cố gắng nhất định.
Thông thường số lần đi ngoài và khoảng thời gian đi ngoài ở trẻ em là không giống nhau phụ thuộc vào thức ăn và đặc điểm mỗi cá thể. Trẻ trong độ tuổi từ 1 đến 4 tháng tuổi thì đi ngoài bình thường có thể ngày 1 vài lần đến 1 hặc 2 lần trong 1 tuần được coi là bình thường (đi ngoài phân mềm, không có khó khăn). Biểu hiện táo bón ở trẻ sơ sinh: trẻ đi ngoài khó khăn, thường hay kêu khóc khi đi ngoài, người thường ưỡn lên trợ giúp cho việc rặn do các cơ thành bụng của trẻ còn yếu.Thông thường trẻ sơ sinh thường rất ít khi táo bón nếu được bú mẹ hoàn toàn do sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất và có chứa Hormon Motiline làm tăng nhu động ruột nên không gây táo bón.
Nguyên nhân táo bón ở trẻ sơ sinh:
- Do bú sữa mẹ không đủ: có thể do mẹ không đủ sữa cho bé, hoặc mẹ cho bé bú không đủ thời gian.
- Ăn sữa công thức, pha sữa công thức không đúng cách có thể gây táo bón. Trong giai đoạn trẻ chưa ăn dặm, nếu phải ăn thêm sữa ngoài do mẹ không có đủ sữa có thể là nguyên nhân gây táo bón ở trẻ em. Điều này chủ yếu là do loại sữa không phù hợp với trẻ, hoặc do mẹ pha sữa không đúng cách theo chỉ dẫn của nhà sản xuất (có thể do mẹ pha sữa đặc hơn, ít nước hơn, pha sữa theo thói quen điều này cũng làm trẻ dễ bị táo bón).
- Trong thời kỳ chuyển sang ăn dặm trẻ cũng dễ bị táo bón nếu không cung cấp cho trẻ đủ nước và chất xơ.
- Thời tiết nóng cũng làm cho trẻ bị mất nước, vì vậy nếu trẻ bú sữa mẹ hoặc uống không đủ nước là căn nguyên làm cho trẻ bị táo bón.
- Một số bệnh lý làm cho trẻ bị táo bón như viêm đại tràng co thắt, đại tràng dài bẩm sinh...
Táo bón hết sức nguy hiểm, một số trẻ bị táo bón kéo dài khiến trẻ đi ngoài khó khăn, thậm chí đau khiến trẻ sợ không rặn, không đi ngoài (nhất là khi trẻ bị nứt kẽ hậu môn do táo bón), điều này làm phân bị giữ lại ở trực tràng và đại tràng, càng làm cho phân bị tái hấp thu nước dẫn đến táo bón nặng nề hơn, lâu dần trẻ có thể bị giãn đại trực tràng tạo thành vòng xoắn bệnh lý luẩn quẩn. Vì vậy khi trẻ bị táo bón kéo dài thì cha mẹ phải đưa con đi khám sớm, tìm nguyên nhân và điều trị.
Cách phòng tránh táo bón cho trẻ sơ sinh:
+ Cần cho trẻ bú đủ cữ, uống đủ nước nhất là những ngày nắng nóng. Khi bé dùng sữa ngoài cần kiểm tra lại xem bạn đã pha sữa đúng hướng dẫn của nhà sản xuất chưa. Bạn có thể đổi sang 1 loại sữa khác nếu bạn đã thực hiện đúng cách (pha đúng tỷ lệ, uống đủ nước) mà trẻ vẫn có táo bón.
+ Xoa bụng: bạn hãy tập xoa bụng cho bé, xoa dọc theo khung đại tràng và theo chiều kim đồng hồ, việc xoa bụng cho bé có tác dụng hỗ trợ làm tăng nhu động ruột, tránh táo bón.
+ Giúp trẻ vận động bằng cách chơi đùa với trẻ, đẩy 2 chân của bé như là bé đang đi xe đạp khoảng 5- 10 phút hàng ngày.
+ Tập cho trẻ đi ngoài đúng giờ, tạo cho bé phản xạ có điều kiện để hình thành thói quen đi ngoài, hằng ngày vào 1 giờ nhất định bạn nên giúp bé đi ngoài, có thể dùng thuốc bôi Vaseline bôi vào vùng hậu môn khi trẻ có biểu hiện khó đi cầu hoặc phân cứng
+ Cuối cùng nếu những biện pháp trên đây không có hiệu quả bạn cần cho cháu đi khám chuyên khoa.
Chúc bạn nuôi con khỏe, dạy con ngoan !