Nội tiết - chuyển hóa
Chào bạn!
Bệnh goute (thống phong) là một bệnh chuyển hoá có tăng axit uric trong máu, có biểu hiện ở khớp, sụn, xương, dưới da, thận. Axit uric là sản phẩm cuối cùng của sự thoái giáng các nucleo-protein có chứa nhân purin và chỉ số này được phản ánh qua lượng axit uric/máu là 50 mg/l (279,5 mol/l - ở nam giới) và 40 mg/l (238 mol/l-ở nữ giới). Chỉ số này luôn được duy trì ở mức độ cố định do quá trình hình thành và thải trừ cân bằng.
Khi lượng axit uric trong cơ thể tăng lên sẽ được biểu hiện bằng lượng axit uric /máu > 70 mg/l (415 mol/l) và sẽ xuất hiện ở màng hoạt dịch khớp dưới dạng tinh thể hình kim hai đầu nhọn, các tinh thể này sẽ được các bạch cầu đa nhân thực bào rồi giải phóng ra các men tiêu thể gây nên phản ứng viêm cấp tính với cường độ lớn. Nếu tình trạng tăng axit uric kéo dài sẽ tích đọng lại ở sụn khớp gây nên viêm khớp có huỷ xương, ở dưới da tạo nên các hạt toophi và ở thận gây viêm thận, sỏi thận và suy thận (gặp trong bệnh goute mạn tính). Người ta chia goute thành 2 loại đó là bệnh goute nguyên phát (hay gặp chiếm khoảng trên 90%) và goute thứ phát (ít gặp chiếm khoảng 5%). Bệnh goute nguyên phát gồm 2 thể cấp tính và mạn tính.
- Goute cấp tính: còn gọi là viêm khớp cấp, điển hình là viêm khớp bàn ngón chân cái (sưng to, đỏ tía, nóng và đau dữ dội) ở 1 bên hoặc cả 2 bên chân (thường xuất hiện sau khi ăn uống nhiều rượu, thịt… Bệnh nhân có thể kèm theo sốt nhẹ, mệt mỏi, rối loạn tiêu hoá, ăn ngủ kém và đau nhiều về đêm. Triệu chứng kéo dài từ vài ngày đến vài tuần, giảm dần rồi khỏi hẳn không để lại di chứng tại chỗ. Các đợt viêm cấp thường hay tái phát (vài lần/năm) lúc đầu thưa sau mau dần và thời gian của mỗi đợt dài ra, thêm các vị trí tổn thương.
- Goute mạn tính: còn gọi là bệnh goute u cục, thường đi sau goute cấp tính nhưng cũng có thể bắt đầu ngay bằng thể mạn tính với biểu hiện: viêm nhiều khớp, nổi u cục (hạt tôphi) và tổn thương thận. Viêm nhiều khớp nhỏ và nhỡ, đối xứng, các khớp này sưng đau, biến dạng, kéo dài liên tục với những đợt nặng thêm. Các hạt tôphi thấy ở quanh các khớp, ở vành tai kích thước từ vài milimet đến nhiều centimet, hình tròn hoặc lồi lõm, mềm, không đau, da bên ngoài mỏng dễ nhìn thấy dưới da là một cấu trúc trắng như bột phấn, có thể vỡ chảy ra dịch trắng và bột lặn cặn…Tổn thương thận biểu hiện là axit uric tích đọng ở nhu mô thận gây viêm thận kẽ, suy thận mạn, nếu axit uric ứ đọng tại đài bể thận tạo thành sỏi dưới dạng urat gây nên cơn đau quặn thận, đái máu…
Điều trị bệnh goute:
Goute cấp tính: sử dụng colchicine (thuốc đặc trị) hoặc phenylbutazone, diclofenac, indometacine…
Goute mạn tính: dùng thuốc tăng thải axit uric qua thận, làm giảm tái hấp thụ axit uric ở ống thận: probenecid, allopurinol…
Dự phòng đợt tái phát của goute cấp tính: sau khi điều trị ổn định bằng colchicine cần theo dõi và điều trị củng cố bằng các thứ thuốc tăng thải axit uric hoặc thuốc ức chế sản xuất axit uric…
Chế độ ăn uống (rất quan trọng) có tác dụng trong điều trị và dự phòng bệnh. Kiêng hoàn toàn rượu và các thức ăn có chứa nhiều nhân purin (phủ tạng động vật, nấm, cá trích, ca cao), hạn chế thịt, cá, tôm, cua (với lượng dưới 100 mg/ngày), hạn chế mỡ (nếu có béo bệu và xơ vữa động mạch), hạn chế muối (nếu có tổn thương ở thận) và uống nhiều nước nhất là nước kiềm…
Tốt nhất, bạn nên đi khám chuyên khoa cơ xương khớp để được chẩn đoán chính xác và điều trị hiệu quả.
Chúc bạn mạnh khoẻ!