THẮC MẮC

Nóng dạ dày điều trị thế nào?

Chào bác sĩ! Em năm nay 25 tuổi, em bị bệnh trào ngược dạ dày _ thực quản cũng hơn 1/2 năm rồi lúc nào em cũng cảm thấy vướng cổ họng, thức ăn không tiêu, hay ợ hơi. Tháng 1 em đã nội soi kết quả: Viêm xung huyết hang vị. Tháng 3 em nội soi lại 1 lần nữa kết quả: Viêm xung huyết hang vi. Lần nội soi gần nhất vào tháng cuối tháng 5 kết quả vẫn: Viêm xung huyết hang vị (mức độ nhẹ). Em đã đi khám ở 5 bệnh viên lớn ở TPHCM nhưng vẫn không thấy hết vướng cổ họng. Tháng 7 này khi em ngưng dùng thuốc được vài ngày thì cổ họng em bớt vướng rất nhiều, nhưng giờ em lại có triệu chứng thấy hơi nóng nóng trong dạ dày, em có đi khám thì bác sĩ chẩn đoán: Bị viêm dạ dày tái phát, em dùng thuốc nhưng vài ngày nay vẫn không thấy bớt. Thưa bác sĩ! Cho em hỏi như vây em đã mắc bệnh gì, bệnh có nguy hiểm không, em nên dùng thuốc thế nào, Em có cần nội soi dạ dày nữa không, Nếu muốn tầm soát ung thư dạ dày thì bao lâu nội soi 1 lần. Mong bác sĩ tư vấn giúp em, em cảm ơn bác sĩ!

Tư vấn

Chào bạn!
Dựa vào mô tả của bạn cho thấy bạn đang có hai vấn: Bạn bị trào ngược dạ dày nửa năm này và nội soi dạ dày phát hiện viêm xung huyết hang vị, nội soi dạ dày là thủ thuật để chẩn đoán xác định bệnh lí về dạ dày nên đây là một chẩn đoán chính xác.
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng viêm tấy đường dẫn thức ăn từ họng vào dạ dày. Các triệu chứng quan trọng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản là ợ nóng, trớ nuốt khó. Bệnh không chỉ gây khó chịu cho bệnh nhân mà cũng có nguy cơ gây ra những biến chứng nặng nề như loét, hẹp, chảy máu thực quản, thậm chí dẫn tới ung thư.
Để điều trị bệnh thường sử dụng các loại thuốc sau:
- Metoclopramid: Tác dụng trung ương vào vùng lẩy cò, có tác dụng lên các lớp cơ ống tiêu hoá. Nó làm gia tăng vận động, thúc đẩy mở môn vị, dẫn đến làm vơi dạ dày từ đó làm giảm trào ngược dạ dày - thực quản. Tác dụng phụ: gây buồn ngủ và tăng trương lực ngoại tháp.
- Domperidon: Đây là thuốc kháng dopaminergic ngoại biên, nó cố định vào thụ thể D2 ngoại biên và không qua hàng rào máu não. Có tác dụng làm tăng áp lực cơ vòng đoạn dưới thực quản do đó làm tăng sự vơi dạ dày dẫn đến làm giảm trào ngược. Thuốc chống chỉ định với chảy máu dạ dày ruột, tắc ruột, nguy cơ thủng ở ống tiêu hoá.
- Sulpirid: có tác dụng làm gia tăng trương lực đoạn dưới cơ vòng thực quản, giúp giữ cho thức ăn không trào ngược lên thực quản, nó cũng có tác dụng vào hệ thần kinh trung ương như các thuốc ngủ do đó có tác dụng phụ là buồn ngủ, gây hội chứng ngoại tháp, chảy sữa, bất lực...
- Metopimazin: Đây là thuốc chống nôn kháng tiết dopamin có tác dụng chọn lọc trên khu vực lẩy cò hoá học của não thất IV. Thuốc có tác dụng làm thay đổi vận động ống tiêu hoá nhưng không làm tăng sự vơi dạ dày do đó nó không làm cản trở sự hấp thu tiêu hoá cao của các thuốc phối hợp.
- Ngoài ra trong một số trường hợp đặc biệt, tùy theo tình trạng bệnh cảnh lâm sàng mà có thể dùng một số thuốc khác như alizaprid, anzemet, zelmac.
Viêm hang vị xung huyết là tình trạng niêm mạc vùng hang vị dạ dày viêm, các mạch máu vùng viêm dãn nở do ứ máu nhiều. Biểu hiện chủ yếu là đau bụng cồn cào, kèm theo ợ hơi, ợ chua, có thể có cảm giác buồn nôn hoặc nôn. Bệnh không nguy hiểm nếu như phát hiện sớm nên có các biện pháp điều trị bệnh sớm.
Nguyên nhân gây bệnh: là do chế độ ăn uống không hợp lý , uống nhiều bia rượu, do dùng thuốc giảm đau, kháng viêm, corticoid, do yếu tố thần kinh căng thẳng, do bệnh lý nội tiết và đặc biệt viêm dạ dày do vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP)
Để điều trị bạn cần xét nghiệm xem có nhiễm vi khuẩn HP không? Nếu có cần phải điều trị bằng kháng sinh. Ngoài ra, cần sử dụng thêm các thuốc băng niêm mạc dạ dày, trung hòa dịch vị, nuôi dưỡng niêm mạc dạ dày, an thần.
Bệnh trào ngược dạ dày và viêm xung huyết hang vị là hai bệnh lí đường tiêu hóa có diễn tiến dai dẳng, việc điều trị mất nhiều thời gian. Vì vậy bạn cần tuân thủ nghiêm chỉnh tuyệt đối sự chỉ dẫn của bác sĩ trong quá trình điều trị. Các thuốc đã được bác sĩ kê đơn phải dùng liên tiếp theo chỉ dẫn, không được bỏ thuốc giữa chừng cũng như không được tự ý thay đổi thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Ngoài ra, bạn cũng phải kiêng cữ các thức ăn chua như dấm ăn, trái cây chua, thức ăn cay ( ớt..), thức ăn chiên xào nhiều dầu mỡ. Không nên uống cá phê, trà. nước ngọt có hơi. Không uống rượu, bia. không hút thuốc lá. Khi ăn nên nhai thật kỹ trước khi nuốt, không ăn vội vã.
Không dùng thuốc Aspirin, thuốc chống viêm, chống đau như Ibuprofen ( Motrin, Avil, Naproxen ( Naprosyn, Aleve), Diclofenac ( Voltaren) v..v . Nếu bị đau nhức, nóng sốt có thể dùng Tylenol, Paracetamol.
Cũng nên nghỉ ngơi, ngủ đầy đủ. Tập thư giãn, không lo âu, buốn phiền. Nên tập thể dục thường xuyên.
Để tầm soát ung thư bạn nên đi khám định kì 6 tháng đến 1 năm 1 lần.
Chúc bạn sức khỏe!