THẮC MẮC

Nóng lạnh thay đổi là bệnh gì?

Chào Bác sĩ! Em năm nay 17 tuổi em bị bệnh đã 3 ngày lúc nóng và lúc lạnh kèm theo đi ngoài lỏng, và nhức đầu Bác sĩ cho em hỏi bệnh của em là gì?

Tư vấn

Chào em,
Những triệu chứng sốt, đi ngoài đã 3 ngày như em kể trong thư nghĩ nhiều đến khả năng em bị bệnh lỵ trực khuẩn. Đây là bệnh nhiễm khuẩn đường ruột cấp tính do vi khuẩn Shigella với biểu hiện lâm sàng đa dạng từ thể tiêu chảy phân nước nhẹ cho đến các thể nặng nề với đau quặn bụng, mót rặn, đi ngoài phân nhày máu, sốt và dấu hiệu nhiễm trùng nhiễm độc.
Khi một người bị nhiễm khuẩn, thời gian ủ bệnh từ 1 - 5 ngày, bệnh khởi phát đột ngột, với 2 hội chứng: hội chứng nhiễm khuẩn và hội chứng lỵ.
- Hội chứng nhiễm khuẩn, gồm: sốt cao 39- 40oC, ớn lạnh, nhức đầu, mệt mỏi, đau lưng, đau khớp, chán ăn, khát nước, đắng miệng, buồn nôn hoặc nôn.
- Hội chứng lỵ, gồm các triệu chứng: đau quặn, mót rặn, đi ngoài phân có nhầy máu. Khởi đầu là tiêu chảy phân lỏng hoặc toàn nước vàng, sau đó tiêu phân nhày máu nhiều lần, mỗi ngày đi trên 10 lần, lượng phân càng về sau càng ít dần. Trường hợp nặng một ngày có thể đi ngoài 20-40 lần. Đau bụng quặn từng cơn, mút rặn trước khi đi ngoài.
Tác nhân gây bệnh
Vi khuẩn Shigella thuộc họ vi khuẩn đường ruột Entrobacteriaceae, là trực khuẩn Gram âm, gồm: 4 nhóm A, B, C và D. Vi khuẩn sống được nhiều tháng ở nhiệt độ thích hợp trong thức ăn và nước.
Điều trị
- Điều trị bằng kháng sinh có vai trò rút ngắn thời gian bệnh và giảm thời gian thải vi khuẩn ra phân. Có thể dùng Ampicilline, Biseptol nếu vi khuẩn không kháng thuốc, nếu vi khuẩn kháng thuốc dùng Ciprofloxaxin, Pefloxaxin, Ofloxaxine. Chỉ dùng kháng sinh khi có triệu chứng (tiêu chảy) và ở thể nặng, ngừng thuốc khi không còn triệu chứng; không cần dùng kháng sinh khi không có triệu chứng hoặc ở thể nhẹ.
- Thuốc Beberin (chiết xuất từ dây vàng đắng) viên 50mg. Liều cho người lớn: mỗi lần 4 - 5 viên hoặc đến 10 viên, mỗi ngày 2 lần. Nếu uống liều cao, thuốc gây mỏi mệt. Thuốc rẻ tiền, ít độc nhưng có hiệu quả.
- Không sử dụng thuốc làm giảm nhu động ruột vì làm kéo dài thời gian bệnh và làm chậm thải vi khuẩn.
- Bù nước và điện giải đường uống bằng dung dịch oresol uống theo nhu cầu cơ thể. Thể nặng cần truyền dịch. Nâng cao thể trạng bằng các vitamin nhóm B nhất là vitamin B1 và vitamin C.
- Có chế độ ăn thích hợp: chỉ ăn kiêng trong vài ngày đầu, sau đó trở lại chế độ ăn bình thường. Đối với người lớn thì cho ăn cháo thịt, cá ninh nhừ, sau đó cho ăn cơm nát, thịt nạc luộc, nước quả. Không nên ăn thức ăn có nhiều bã.
Tốt nhất là cháu nên đi khám chuyên khoa tiêu hóa để được chẩn đoán đúng bệnh và có hướng dẫn dùng thuốc cụ thể.
Chúc cháu mau khỏe!