Nội tiết - chuyển hóa
Chào cháu!
Cháu không mô tả kỹ các đặc điểm của huyết trắng nên không thể tư vấn cụ thể cho cháu được. Tuy nhiên, cháu có thể tham khảo những thông tin về huyết trắng dưới đây để so sánh với trường hợp của cháu.
Huyết trắng hay còn gọi "khí hư" dùng để chỉ chất dịch trong, nhầy, không màu tiết ra từ âm đạo của phụ nữ. Có 2 loại huyết trắng, đó là huyết trắng sinh lý (bình thường) và huyết trắng bệnh lý.
- Huyết trắng sinh lý: Ở phụ nữ trong độ tuổi hoạt động tình dục, bình thường giữa 2 kỳ kinh nguyệt, vào thời điểm quanh ngày rụng trứng, cổ tử cung tiết ra chất nhầy có thể kéo dài 3-5 ngày. Chất nhầy trong, dai, có thể kéo thành sợi, không có mùi hôi và không ngứa. Chất nhầy này phụ thuộc vào nồng độ estrogen nên có người tiết ít nhưng có người tiết rất nhiều. Khi mang thai, lao động nặng, nhất là khi kích thích sinh hoạt tình dục, huyết trắng tăng tiết nhiều, có lúc chảy thành dòng ra ngoài. Huyết trắng sinh lý không cần chữa trị và không ảnh hưởng gì tới sức khỏe.
- Huyết trắng bệnh lý: có mùi hôi, màu trắng đục, xanh hay vàng nhạt, gây ngứa. Có huyết trắng bệnh lý có nghĩa là bị viêm nhiễm sinh dục dưới, có thể kèm theo ngứa, tiểu gắt, tiểu buốt, giao hợp đau. Huyết trắng bệnh lý gặp trong các trường hợp:
+ Viêm âm hộ - âm đạo:
Do Trichomonas Vaginalis: âm đạo đỏ rực, đôi khi sung huyết, khí hư nhiều, có màu xanh nhạt, loãng, có bọt, kèm theo ngứa rát âm hộ. Có 10% trường hợp không có triệu chứng.
Do nấm Candida: rất thường gặp, do lây truyền qua đường tình dục, tắm rửa bằng nước không vệ sinh, mặc đồ lót chật, ẩm ướt, làm bằng chất liệu không thấm mồ hôi… Huyết trắng sánh đặc, màu trắng lợn cợn, đóng thành mảng, gây ngứa, rát nhiều, giao hợp đau, âm hộ viêm đỏ, nề, âm đạo viêm đỏ, ứ đọng huyết trắng.
Do tạp trùng: thường liên quan đến Gardnerella vaginalis, vi khuẩn yếm khí, Mycoplasma… Huyết trắng có màu vàng hoặc xám, loãng, tráng đều thành âm đạo, có mùi hôi.
+ Viêm cổ tử cung:
Viêm cổ tử cung do lậu cầu: 97% nữ giới mắc bệnh mà không có triệu chứng, những trường hợp còn lại có tiểu buốt, tiểu gắt, khí hư vàng. Trường hợp này chẩn đoán qua xét nghiệm vi khuẩn.
Viêm cổ tử cung do Chlamydia trachomatis: khoảng 20-25% người bệnh không có triệu chứng, 30-60% trường hợp khí hư giống như mủ, 30% trường hợp ra máu, 20-60% tiểu khó.
Viêm cổ tử cung cấp tính: thường gặp sau sinh đẻ, sau sảy thai. Khí hư như chất nhày, có mủ, cổ tử cung sung huyết phù nề.
Viêm cổ tử cung mạn tính: tình trạng viêm cổ tử cung kéo dài, chất nhày cổ tử cung đặc sánh có mủ, không ngứa, giao hợp không đau, nhưng đôi khi bị ra máu khi giao hợp.
Viêm niêm mạc cổ tử cung: thường tiếp theo của viêm cổ tử cung, hay gặp sau sảy thai, sau sinh hoặc sau khi can thiệp vào buồng tử cung như đặt hay tháo vòng tránh thai. Người bệnh sốt 38-39oC, đau vùng hạ vị…
Nếu so sánh, cháu nghi ngờ huyết trắng của cháu là huyết trắng bệnh lý thì cháu nên đi khám phụ khoa để Bác sĩ tìm tác nhân gây bệnh và điều trị kịp thời cho cháu.
Chúc cháu mau khỏi bệnh!