THẮC MẮC

Phẫu thuật hở van tim độ 3

Mẹ tôi sinh năm 1952. Vừa rồi mẹ tôi thường xuyên mệt mỏi, choáng váng và sức khỏe không ổn định nên đã vào bệnh viện TW Huế để kiểm tra sức khỏe tổng quát. Qua điện tim, siêu âm, xét nghiệm. Các bác sĩ kết luận là mẹ tôi bị hở van tim độ 3 và khuyên gia đình nên cho mẹ tôi nhập viện để điều trị bằng thuốc, mỗi ngày truyền 1/2 chai nước. Bác sĩ bảo vì tuổi mẹ tôi đã cao nên không nên phẫu thuật. Mẹ tôi cao 1, 5m và nặng 38kg Vậy bác sĩ cho tôi hỏi, ở độ tuổi mẹ tôi thì có nên phẫu thuật hay không. Xin cảm ơn.

Tư vấn

Chào bạn!
- Quy ước trên siêu âm tính độ hở của van tim có bốn mức: hở 1/4, 2/4, 3/4 và 4/4. Nếu chỉ bị hở từ 2/4 trở xuống thì không phải lo lắng nhiều vì đó là chuyện bình thường, chưa phải điều trị mà chỉ cần định kỳ tái khám, theo dõi; ngoại trừ việc hở van tim là hậu quả của những bệnh khác như thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim, thấp tim...
Van tim bị hở từ 2/4 trở lên mới cần phải chú ý, kiểm tra để xác định nguyên nhân và điều trị. Khi van tim bị hở 3/4 trở lên mới phải điều trị tích cực. Nếu bị hở từ 3,5/4 trở lên sẽ mổ để sửa chữa van tim hoặc thay van tim nhân tạo.
Về điều trị, tùy nguyên nhân gây hở van tim mà việc điều trị sẽ khác nhau. Nếu hở van tim do tim bị giãn, khi điều trị tim nhỏ lại sẽ hết hở. Nếu hở do dây chằng bị dài hoăc bị đứt thì không thể hết, nhất là khi bị đứt thì phải mổ để sửa lại, nhưng vẫn phải điều trị để bệnh không nặng thêm và không dẫn tới suy tim. Khi bị hở van tim từ 2/4 trở lên, bệnh nhân nên đến bác sĩ tim mạch khám tìm những yếu tố nguy cơ có thể thúc đẩy bệnh nặng thêm để điều trị...
Gia đình bạn đã khám chuyên khoa Tim mạch nên tuân thủ theo chỉ định của bác sỹ điều trị, bởi để xác định một người bệnh có đủ tiêu chuẩn để phẫu thuật hay không phải dựa vào nhiều yếu tố như: tình trạng bệnh, sức khỏe của bệnh nhân, các bệnh lý kèm theo…Nếu chưa an tâm, có thể đưa mẹ bạn đến trung tâm tim mạch bệnh viện Bạch Mai hoặc bệnh viện Tim Hà Nội để khám lại.
Chúc bạn và gia đình sức khỏe!