THẮC MẮC

RPR định lượng là âm tính mà vẫn bị kết luận dương tính với giang mai là sao?

Gửi bác sĩ, em đi khám bệnh viện da liệu trung ương có kết quả xét nghiệm: Test Treponema pallidum, test Nganh Giang mai: dương tính. Test RPR định lượng âm tính. Test TPHA: 1/81 920 dương tính. Bác sĩ kết luận dương tính với giang mai. Em không rõ vì RPR định lượng là âm tính mà vẫn bị kết luận dương tính với giang mai? Xin bác sĩ giải thích giúp. Em cám ơn!

Tư vấn

Chào bạn!
Giai đoạn đầu bệnh thường có biểu hiện những vết loét không đau tại bộ phận sinh dục nên dễ bỏ qua. Khi giang mai vào máu và lan tỏa sẽ có những tổn thương trên da, chúng cũng sẽ tự mất và không cần điều trị nhưng sẽ tái lại nặng hơn. Khi có biểu hiện các tổn thương tại phủ tạng (tim, gan, cơ, xương, thần kinh...) cũng là lúc bệnh đã nặng, tổn thương lúc này sẽ là gôm, củ giang mai, tim mạch, thần kinh, gan...
Các xét nghiệm chẩn đoán giang mai
Xét nghiệm khi không có biểu hiện trong giai đoạn sớm: Chẩn đoán bệnh giang mai tương đối phức tạp vì cơ thể chưa tạo ra kháng thể mà Xoắn khuẩn giang mai lại không thể nuôi cấy trong các môi trường nhân tạo. Cách chẩn đoán tương đối chính xác là soi trên kính hiển vi bệnh phẩm lấy từ các vết loét giang mai (chancre), dịch âm đạo ở phụ nữ, dịch niệu đạo ở nam giới để tìm xoắn khuẩn giang mai.
Xét nghiệm khi có biểu hiện là xét nghiệm phản ứng RPR và TPHA.
Xét nghiệm RPR có thể được sử dụng để chẩn đoán bệnh giang mai, RPR được áp dụng với những người có các triệu chứng bệnh lây truyền qua đường tình dục. Nếu kết quả RPR là âm tính (-) thì không bị giang mai, trường hợp RPR cho kết quả dương tính (+) thì có thể đã bị giang mai. Tuy nhiên, không phải lúc nào cơ thể cũng tạo ra các kháng thể đặc biệt phản ứng với vi khuẩn giang mai, bởi vậy, xét nghiệm RPR không phải lúc nào cũng chính xác. Ở những người mắc giang mai giai đoạn đầu hoặc giai đoạn giang mai kín có thể cho kết quả RPR(-). Xét nghiệm RPR này tương tự xét nghiệm VDRL
Xét nghiệm TPHA dùng để xác định có nhiễm bệnh Giang Mai hay không sau khi có kết quả RPR(+). Nếu TPHA (+) thì khả năng bị giang mai là rất cao. Nếu không có hành vi nguy cơ nào (quan hệ tình dục dùng bao cao su, chưa quan hệ) nhưng xét nghiệm TPHA (+), thì nên làm thêm xét nghiệm Fluorescent Treponemal Antibody - Absorption (FTA-ABS) để sàng lọc, phân biệt bệnh giang mai với các nhiễm trùng khác.
Chúc bạn sức khỏe!