THẮC MẮC

Sau phẫu thuật thông liên thất bé ăn hay bị nôn có sao không?

Xin chào bác sĩ: con tôi năm nay 5 tuổi, cháu bị bệnh thông liên thất, cháu đã phẫu thuật được 20 ngày, nhưng sau phẫu thuật cháu vẫn ăn kém, cháu không uống được sữa cứ ngửi mùi sữa là cháu lại bị ọe, ép cháu uống là cháu bị nôn. Các thức ăn thịt cá. Cháu cũng không chịu ăn. Hiện nay cháu được có 13kg, cao 103m. Mong bác sĩ tư vấn giúp cách giúp cháu ăn ngon miệng hơn, không hay bị nôn nữa. Gia đình tôi xin chân thành cảm ơn bác sĩ.

Tư vấn

Chào bạn!
Những trẻ mắc bệnh tim thường khó ăn do mệt, ăn vào nôn ngay. Vì vậy, cha mẹ nên cho trẻ ăn từ từ, chủ yếu bằng thìa, ăn nhiều bữa, mỗi bữa ít hơn bình thường; đồng thời theo dõi sát việc lên cân của trẻ để có chế độ dinh dưỡng hợp lý.
Tất cả trẻ mắc bệnh này cần được chăm sóc kỹ lưỡng và đúng cách để có sức khỏe tốt. Cha mẹ có vai trò rất lớn trong việc phối hợp điều trị cho trẻ.
Việc tiêm phòng cho trẻ bị tim bẩm sinh rất cần thiết vì những trẻ này cần được bảo vệ hơn bất cứ đứa trẻ nào. Nhiều bệnh tuy nhẹ với trẻ bình thường nhưng rất nguy hiểm cho những trẻ mắc bệnh tim. Tuy nhiên nếu trẻ không khỏe hoặc đang điều trị bằng thuốc, cần hỏi ý kiến bác sĩ tim mạch để chắc chắn rằng việc tiêm chủng là an toàn.
Phòng tránh bệnh đường hô hấp là rất cần thiết đôi với trẻ bị bệnh tim bẩm sinh. Trẻ bị tim bẩm sinh rất dễ bị viêm phổi, để tránh biến chứng này gia đình nên giữ trẻ ấm khi trời lạnh, không cho trẻ ở những nơi có nhiều khói bụi, khói thuốc lá. Nếu trong gia đình có người mắc các bệnh ho, cảm cúm thì nên tránh xa trẻ, không nên tiếp xúc với trẻ. Người chăm sóc trẻ nên rửa tay sạch trước khi chăm sóc trẻ.
Chăm sóc răng miệng rất quan trọng đối với trẻ bị bệnh tim bẩm sinh. Tình trạng vệ sinh răng miệng kém có thể gây một biến chứng cực kỳ nguy hiểm: Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn. Vi khuẩn theo đường răng miệng vào máu cư trú và gây bệnh ở nơi tim bị dị dạng. Chính vì thế gia đình nên hướng dẫn trẻ cách đánh răng sau mỗi bữa ăn, khám bác sĩ nha khoa định kỳ 6 tháng/lần. Nếu cần nhổ răng hay làm các thủ thuật, phẫu thuật có gây chảy máu phải báo cho bác sĩ biết trẻ bị tim bẩm sinh để được uống hoặc tiêm kháng sinh dự phòng trước và sau thủ thuật, phẫu thuật.
Các trẻ đã được can thiệp phẫu thuật hay thông tim vẫn cần được tiếp tục theo dõi ở phòng khám của chuyên khoa tim mạch. Phụ huynh nên cho trẻ khám lại ngay nếu có bất kỳ triệu chứng nào khác thường như: sốt, ho, tiêu chảy, nôn mửa, phù, tiểu ít, bỏ bú, quấy khóc, thở mệt, rên rỉ, lừ đừ hay bứt rứt lên cơn tím tái, co giật, hôn mê.
Chúc cháu bé khỏe mạnh!