THẮC MẮC

Tại sao không thể béo

Tôi cao 1,69m nặng 49kg, Tôi ăn uống bình thường không ốm đau khi nào vậy nguyên nhân tại sao gầy? Cách chữa trị thế nào?

Tư vấn

Chào bạn!
Tổ chức Y tế Thế giới đã dùng chỉ số khối cơ thể (BMI), tính bằng cân nặng cơ thể (kg) chia cho chiều cao (mét) bình phương, làm một trong những cơ sở để đánh giá và nhận định tình trạng thiếu cân, thừa cân, béo phì. Theo đó, BMI của bạn xấp xỉ 17,2 kg/m2 nên được coi là thiếu cân. Thông tin trong thư quá vắn tắt để có thể giúp bạn xác định nguyên nhân gây thiếu cân. Vì vậy, tôi xin cung cấp thêm thông tin để bạn tham khảo.
Các nguyên nhân gây nên tình trạng thiếu cân:
- Ăn uống không hợp lý: chế độ ăn mất cân bằng, không cung cấp đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của cơ thể; thói quen ăn uống thất thường, hay bỏ bữa hoặc ăn vặt nhiều đồ ăn béo và ngọt khiến đến bữa chính lại no, không ăn được... Bình thường, khẩu phần ăn của người lớn có tỉ lệ: 60% chất bột đường, 15% chất đạm và 25% chất béo, ngoài ra còn ăn rau quả tươi để bổ sung thêm chất xơ, vitamin và khoáng chất. Phân bổ năng lượng cho các bữa ăn trong ngày: bữa sáng 30%, bữa trưa 40%, bữa tối 25%, bữa phụ 5%.
- Cơ thể bạn kém chuyển hóa và hấp thu các chất dinh dưỡng.
- Thói quen lười vận động không chỉ gây ra béo phì mà cũng là nguyên nhân chính khiến cơ thể rơi vào tình trạng thiếu cân.
- Mất ngủ hoặc ngủ quá ít làm tiêu hao khá nhiều năng lượng, đồng thời gây nên tình trạng căng thẳng, mệt mỏi kéo dài càng làm cơ thể bạn thêm gầy yếu.
- Mắc các bệnh lý đường tiêu hóa (viêm loét dạ dày, nhiễm ký sinh trùng đường ruột như giun, sán...), rối loạn chuyển hóa nội tiết (bệnh Basedow, tiểu đường…).
- Yếu tố di truyền: Nếu bố mẹ bạn có dáng người mảnh khảnh thì rất có thể bạn cũng sẽ được thừa hưởng và sở hữu một vóc dáng như vậy.
Khi quá gầy, năng lượng không đủ để cung cấp cho hoạt động của các cơ quan trong cơ thể sẽ dẫn đến mệt mỏi, càng làm mất cảm giác ngon miệng trong mỗi bữa ăn và kém hấp thu các chất dinh dưỡng trong các loại thức ăn. Người gầy thường lười vận động, dẫn đến cơ bắp trở nên mềm nhão, cơ thể gầy yếu, giảm sức đề kháng làm dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, mạn tính khác.
Để khắc phục tình trạng thiếu cân của cơ thể, trước tiên bạn cần tìm đúng nguyên nhân. Bạn nên đi khám nội khoa để phát hiện những bệnh lý mạn tính có thể mắc phải, từ đó có hướng điều trị thích hợp. Nếu thiếu cân không do nguyên nhân bệnh lý, bạn có thể áp dụng các biện pháp sau để giúp tăng cân:
- Ăn uống hợp lý: Đây là yếu tố đóng vai trò rất quan trọng giúp bạn tăng cân. Bạn cần xây dựng cho bản thân một chế độ ăn uống hợp lý và phù hợp với khẩu vị, nguồn thực phẩm sẵn có tại địa phương. Bạn có thể khám tư vấn tại các phòng khám dinh dưỡng để biết cách bổ sung các loại thức ăn có chứa nhiều calo, chất đạm, chất béo và cacbonhydrat vào bữa ăn hàng ngày một cách hiệu quả. Ngoài ra, bạn phải chú ý ăn đúng giờ, đúng bữa. Bạn có thể ăn vặt, nhưng tốt nhất nên ăn trước bữa ăn khoảng 1 giờ, không ăn gần bữa ăn chính vì sẽ làm giảm cảm giác ngon miệng khi đến bữa. Nếu thường xuyên phải thức khuya, hãy ăn thêm một bữa nhẹ với thức ăn mềm, dễ tiêu hóa và hấp thu như sữa, cháo và các loại hoa quả.
- Ngủ đúng giờ và ngủ đủ giấc.
- Tập thể dục thường xuyên bằng các bài tập nhẹ nhàng, đi bộ, cầu lông, aerobic...
Chúc bạn sức khỏe!