THẮC MẮC

Thấy khối lạ ở âm đạo

Thưa bác sĩ, em năm nay 22 tuổi và mới sinh con được 2 tháng. Bác sĩ cho em hỏi, bị sa tử cung có đau không? Ngoài âm đạo của em, có khối nhỏ lòi ra khoảng nửa đốt tay, bóp nhẹ thì không thấy có cảm giác đau. Vậy thưa bác sĩ có phải là em bị sa tử cung không? Hay là vì sau sinh bác sĩ khâu không kỹ nên mới như vậy? Em sinh được 2 tháng rồi có thể thụt rửa âm đạo được không?

Tư vấn

Chào em,
Sa tử cung là tình trạng tử cung sa thấp hơn vị trí bình thường, là bệnh lý khá phổ biến ở phụ nữ lớn tuổi, nhất là trải qua nhiều lần sinh đẻ. Tuy nhiên, bệnh cũng gặp ở người trẻ, dù chỉ sinh ít con và ở mức độ sa dạ con khác nhau ở mỗi người. Bệnh sa tử cung sau sinh tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây rất nhiều phiền toái, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của nhiều chị em.
Khi bị sa tử cung sau sinh, bệnh nhân có cảm giác nặng và căng tức ở vùng âm hộ, thậm chí thấy rõ khối tròn lồi ra ngoài âm đạo. Phụ nữ bị sa tử cung có cảm giác nặng, tức bụng, đi tiểu nhiều lần trong ngày và xuất hiện những phần thịt lồi ở cơ quan sinh dục, vì thế gặp khó khăn trong sinh hoạt. Một số bệnh nhân còn bị đau phần bụng dưới và thắt lưng, làm giảm hứng thú chuyện chăn gối.
Bệnh sa tử cung hay gặp ở những phụ nữ sinh khó, thời gian rặn đẻ kéo dài, sau sinh không được nghỉ ngơi, làm những công việc quá nặng nhọc khi sức khỏe chưa phục hồi hoàn toàn. Sản phụ bị thiếu dinh dưỡng, bị táo bón nặng hoặc táo bón mãn tính.
Sa tử cung thường được chia làm 3 mức độ:
Mức độ nhẹ nhất: Tử cung sa xuống, thập thò vùng âm đạo.
Mức độ trung bình: Tử cung lộ ra ngoài âm đạo, thân nằm trong âm đạo.
Mức độ nặng: Toàn bộ tử cung sa hẳn ra ngoài âm đạo.
Đối với trường hợp sa tử cung nhẹ, sản phụ có thể nghỉ ngơi hoàn toàn. Tránh gắng sức, tránh rặn trong thời gian dài để phần đáy chậu chắc lại, dạ con dần được nâng lên và dạ con có thể sẽ trở lại bình thường.
Với mô tả của em, em nên đi khám sản khoa để xác định chính xác bệnh. em nên nhớ sau khi sinh, cơ quan sinh dục rất mẫn cảm và còn đang trong giai đoạn hồi phục nên cần được chú ý giữ vệ sinh chăm sóc thật kỹ. Em chỉ nên dùng nước ấm, sạch để vệ sinh, không nên dùng nước muối hay dung dịch vệ sinh phụ nữ, cũng không được thụt rửa âm đạo trong giai đoạn này.
Chúc sức khỏe!