THẮC MẮC

Thiếu can xi máu uống canxi và 3b vẫn thấy tình trạng run tay chân phải làm sao?

Chào bác sĩ. Cháu năm nay 34 tuổi. Cháu thường xuyên bị run tay chân, run nhiều hơn khi hồi hộp lo lắng, đi khám bác sĩ bảo cháu bị thiếu can xi máu, sau một thời gian uống canxi và 3b, cháu vẫn không thấy tình trạng run giảm đi. Vậy theo bác sĩ cháu bị làm sao, xin bác sĩ tư vấn và cách thức khám và chữa trị.

Tư vấn

Chào bạn!
Khi xác định được nguyên nhân gây run tay chân, bạn sẽ quyết định hướng chữa trị của mình. Bạn có thể quan sát triệu chứng của bản thân và đi khám để xác định các nguyên nhân sau.
1. Bệnh run vô căn
Bệnh run vô căn thường di truyền từ ông bà, bố mẹ sang con cái với tỷ lệ khá cao khoảng 50%. Chứng này có một số đặc trưng như:
Tay bắt đầu run khi bạn cầm đồ vật như ly nước, cây bút…
Run ở đầu theo kiểu run dọc (đầu gật gật) hoặc run ngang (lắc đầu)
Run ở giọng nói, lưỡi và thân người khiến dáng đi thay đổi
Rất ít khi run xảy ra ở chân
2. Rối loạn thần kinh thực vật
Những người bị run do rối loạn thần kinh thực vật có thể bị run tay chân khi có cảm xúc mạnh.
Rối loạn chức năng của hệ thần kinh thực vật có thể gây hồi hộp, rối loạn tiêu hóa, tim đập nhanh và cả run tay chân ở người trẻ. Có nhiều nguyên nhân gây rối loạn hệ thần kinh thực vật như mắc bệnh mãn tính, bị tác dụng phụ của thuốc, bị chấn thương… Nhưng nguyên nhân chủ yếu thường là do tâm lý như sang chấn tinh thần, mệt mỏi, lo âu, stress….
Ở những người bị run tay chân do rối loạn thần kinh thực vật, cơn run thường tăng khi bạn có các cảm xúc mạnh như lo lắng, căng thẳng, hồi hộp hay khi tập trung làm động tác chính xác như ký tên, viết… Run có thể chỉ xuất hiện ở tay hoặc lan sang chân và giọng nói kèm theo tim đập nhanh, đổ mồ hôi, hoa mắt, chóng mặt… Các biểu hiện run có thể giảm khi người bệnh điều chỉnh được tâm lý và cảm xúc của mình.
3. Tổn thương não
Não bộ có thể bị tổn hại do chấn thương sau va đập, di chứng của viêm não, sau tai biến mạch máu não, bệnh đa xơ cứng, rối loạn thoái hóa di truyền hay hiếm gặp hơn là sốt cao co giật khi còn nhỏ. Những nguyên nhân trên làm ảnh hưởng đến chức năng vùng não điều khiển vận động và gây run tay chân.
4. Bệnh cường giáp
Gần giống với chứng rối loạn thần kinh thực vật, bệnh cường giáp có thể gây run tay chân, tim đập nhanh, vã mồ hôi, bứt rứt, căng thẳng, khó chịu….
Tuy nhiên có một số điểm khác biệt giữa hai bệnh là cường giáp sẽ khiến mắt lồi hơn, bướu cổ to ra và khi để hai tay song song với mặt đất thì triệu chứng run sẽ xuất hiện.
5. Các nguyên nhân khác
Các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, caffeine… nếu lạm dụng lâu dài sẽ gây tổn thương các tế bào não, dẫn đến chứng run tay chân ở người trẻ. Chất kích thích còn có thể gây nhiều triệu chứng rối loạn tâm thần khác như lo lắng, dễ bị kích động, gặp ác mộng khi ngủ…
Run tay ở người trẻ đôi khi là còn do thiếu một số vitamin, khoáng chất như magie, vitamin B6, vitamin B12, vitamin D…Ngoài ra, những cơn run cũng có thể là triệu chứng của nhiễm độc kim loại nặng nếu đi kèm với các chứng như co giật, teo cơ, yếu cơ…
Bạn nên khám ở những bệnh viện trung ương uy tín để xác định đúng nguyên nhân gây bệnh từ đó có hướng điều trị hiệu quả.
Chúc bạn sức khỏe!