THẮC MẮC

Tiêm Vác - xin viêm gan B cho trẻ nhỏ

Kính chào Bác sĩ! Bé trai nhà tôi sinh mổ ở bệnh viện Từ Dũ được 3.5 kg. Sức khỏe bé tốt, ăn ngủ tốt, ngoại trừ có 1 vết chàm "Sebaceous epidermal nevus" trên má (đã nhờ Bác sĩ tư vấn). Sau khi sinh được 2 ngày, bé được chích ngừa vacxin 1 mũi Lao duy nhất tại bệnh viện Từ Dũ. Do điều kiện gia đình nên khi bé được 2 tháng tôi mới đưa bé đi chích mũi 5 trong 1 đầu tiên (có cả viêm gan B). Lúc này nhà tôi mới biết bé chưa được tiêm phòng mũi viêm gan B ở bệnh viện Từ Dũ. Tháng vừa rồi, khi bé được 3 tháng, tôi mới đưa bé đi chích ngừa mũi 5 trong 1 lần thứ 2 (có cả viêm gan B). Nên tính ra theo lịch tiêm chủng quốc gia thì bé đã chậm 1 mũi, còn tính theo thời gian tiêm sau khi sinh thì bé chậm đến 2 tháng. Xin nhờ Bác sĩ tư vấn giùm là tiêm như vậy thì vacxin ngừa viêm gan B còn hiệu quả với bé không? và để khắc phục thì chúng tôi nên đưa bé đi tiêm vacxin viêm gan B như nào để đạt hiệu quả sau này ạ? Xin chân thành cảm ơn các Bác sĩ và website songkhoe.vn nhiều !

Tư vấn

Chào bạn,
Tiêm vắc xin viêm gan B là cách tốt nhất để phòng bệnh viêm gan B. Tiêm vắc xin cho trẻ 24 giờ đầu sau sinh là cách tốt nhất để phòng lây truyền virut viêm gan B từ mẹ sang con. Điều này đặc biệt quan trọng vì hầu hết trẻ sơ sinh bị nhiễm virut viêm gan B từ mẹ khi sinh sẽ có 90% nguy cơ trở thành bệnh mạn tính và khoảng 25% trong số đó sẽ tử vong vì ung thư gan và xơ gan. Tiêm vắc xin viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu sau sinh có hiệu quả bảo vệ phòng lây truyền từ mẹ sang con từ 80-85%. Nếu trẻ tiêm vắc xin viêm gan B muộn sau khi sinh thì việc phòng tránh lây truyền bệnh từ mẹ sang con sẽ bị giảm, cụ thể nếu tiêm vắc xin viêm gan B vào thời điểm 7 ngày sau khi sinh, khả năng phòng lây nhiễm từ mẹ sang con chỉ đạt 50-57%. Ngoài ra, tiêm vắc xin viêm gan B sớm không chỉ có hiệu quả tốt phòng lây truyền viêm gan từ mẹ sang con trong khi sinh mà còn giúp trẻ sơ sinh sớm được bảo vệ phòng lây truyền viêm gan B từ các thành viên khác trong gia đình, người chăm sóc trẻ hoặc từ những trẻ khác qua tiếp xúc trực tiếp với vết xước, chảy máu. Ngay cả khi trẻ sơ sinh không bị nhiễm trong quá trình sinh đẻ thì trẻ vẫn có nguy cơ cao lây nhiễm virut viêm gan B từ mẹ bị nhiễm virut do tiếp xúc trực tiếp và gần gũi với mẹ.
Trong trường hợp trẻ không tiêm được thì cần tiêm sớm sau đó ngay khi có thể trong vòng 7 ngày sau sinh. Vắc xin viêm gan B có thể tiêm cùng ngày với các vắc xin khác mà không ảnh hưởng đến sự đáp ứng miễn dịch của vắc xin.
Như vậy con bạn đã bỏ lỡ không được tiêm sớm trong 24 giờ sau sinh hoặc trong vòng 7 ngày sau sinh nên cũng mất cơ hội được bảo vệ sớm.
Tuy nhiên, trong trường hợp con bạn đã bị chậm mũi thứ nhất thì theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, nếu cháu tiêm đủ 3 mũi cũng đủ tác dụng bảo vệ. Tiêm 3 lần đó là khi cháu 2 - 3 - 4 tháng tuổi, cháu sẽ được tiêm chủng mũi 5 trong 1 phối hợp ngừa bệnh viêm gan B, bạch hầu - ho gà - uốn ván - Hib. Như vậy đến khi cháu 4 tháng tuổi bạn nhớ cho cháu đi tiêm mũi 3 để đảm bảo tiêm đủ 3 mũi phòng viêm gan B.
Thân mến chào bạn.