THẮC MẮC

Tiểu đêm, đau buốt chân có phải bị tiểu đường?

Em năm nay 20 tuổi. Em thường xuyên đi tiểu vào ban đêm, mỗi lần tiểu thì nước tiểu của em rất đậm màu (như màu nước trà )và nóng. Dưới lòng bàn chân thường bị đau và mỏi, ban đêm em hay bị chuột rút. Và dạo này em thường bị ngứa đỏ ở khắp người và bị mọc nhọt sau gáy và một cục ở dằng sau cổ. Có phải em đang bị tiểu đường phải không? Em cảm ơn!

Tư vấn

Chào em!
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng tiểu nhiều về đêm như: U xơ tuyến tiền liệt, viêm bàng quang, sỏi thận, đái tháo đường, lớn tuổi… nhưng cũng có thể do thói quen uống nhiều nước, sử dụng các chất kích thích, căng thẳng do áp lực công việc… hoặc có thể do dung tích bàng quang nhỏ chỉ chứa được lượng nước tiểu ít, nên gây tiểu lắt nhắt. Dù là nguyên nhân nào thì chứng tiểu đêm nhiều cũng gây gián đoạn giấc ngủ, mất ngủ, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Em có thể hạn chế đi tiểu đêm bằng cách:
- Tránh uống bia, rượu, cà phê, nước ngọt, các chất có chứa cafein… trước khi đi ngủ, vì các chất trên làm tăng nhu cầu đào thải nước của cơ thể.
- Luôn giữ tinh thần thoải mái, vui vẻ.
- Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, giúp đào thải lượng axit dư thừa ra khỏi cơ thể.
Mỗi lần đi tiểu, nước tiểu của em đậm màu, có thể do cơ thể em bị thiếu nước, hoặc do phẩm màu nhân tạo có trong thực phẩm.
Chuột rút là tình trạng co chặt cơ liên tục, ngoài ý muốn, xảy ra khi vận động quá sức, có khi đang ngủ chỉ cần duỗi chân, vươn vai cũng bị chuột rút, thường gặp ở phía sau của bắp chân, hiện tượng này xảy ra khi đang ngủ hay khi mới thức giấc. Khi bị chuột rút cảm giác rất đau và không có khả năng cử động cơ đó trong vài giây hoặc vài phút. Chuột rút gây khó chịu, mất ngủ, nhưng lại không nguy hiểm.
Hiện tượng chuột rút thường không có nguyên nhân rõ ràng. Tuy nhiên, nguyên nhân phổ biến có thể gặp là:
- Tình trạng thiếu nước và chất khoáng như: canxi, magiê, natri và kali. Điều này có thể xảy ra: sau khi tập thể dục, lọc thận, đổ mồ hôi quá nhiều mà không được bù đủ nước và muối, dùng thuốc lợi tiểu, đang có thai...
- Ngồi lâu, tư thế của chân không thích hợp lúc nghỉ ngơi, giảm độ lõm cần thiết của lòng bàn chân.
- Sự căng cơ quá mức.
- Bệnh tiểu đường, thiếu máu, hạ đường huyết.
Khi bị chuột rút em có thể làm giảm triệu chứng đau bằng cách:
- Mát xa phần cơ bị chuột rút. Cần mát xa phần bắp chân từ dưới lên trên giúp máu lưu thông.
- Kéo giãn phần cơ bị đau để chống lại sự co cơ do bị chuột rút gây nên.
- Chườm nóng hoặc chườm lạnh bắp thịt bị đau, lắc và xoa bóp bắp thịt chỗ bị chuột rút, rồi sau đó nâng cao chân lên.
Em có thể phòng ngừa chuột rút bằng những cách đơn giản như:
- Thực hiện chế độ ăn cân bằng, đủ chất, đặc biệt là ăn nhiều hoa quả và rau xanh để cơ thể không bị thiếu kali, magiê hay canxi.
- Uống nhiều nước (tối thiểu 2 lít nước/ngày).
- Hạn chế dùng các chất kích thích như thuốc lá, rượu, trà, cà phê.
- - Tập thể dục nhẹ nhàng: đi bộ, đạp xe.
- Nếu em hay bị chuột rút, khi đi ngủ nên đặt 1 chiếc gối nhỏ dưới bắp chân và bàn chân. Tư thế ngủ này giúp tăng cường lưu thông mạch máu về đêm, do đó hạn chế bị chuột rút.
Em bị ngứa nên khi gãi có thể nhiễm vi khuẩn (thường là tụ cầu). Vi khuẩn này xâm nhập vào cơ thể qua vết xước nhỏ, các nang lông gây nên nhọt. Tuy nhiên, cũng có thể do: Bệnh tiểu đường, hệ thống miễn dịch suy giảm, thiếu dinh dưỡng, vệ sinh kém, tiếp xúc với các hóa chất mạnh gây kích ứng da cũng là những nguyên nhân gây ra nhọt.
Các triệu chứng như em mô tả, chưa thể khẳng định em bị tiểu đường, để chắc chắn em nên đi khám Nội khoa, ngoài các triệu chứng lâm sàng, còn có các xét nghiệm mới chẩn đoán chính xác và có phương pháp điều trị cụ thể.
Chúc em sức khỏe!