THẮC MẮC

Tiểu đêm không kiểm soát là bị sao?

Tiểu đêm không kiểm soát. Em có cháu trai 8 tuổi, mà nay còn tiểu đêm không kiểm soát được (đái dầm), mong các bác sĩ chỉ cách, thuốc để hạn chế ah! em xin cảm ơn

Tư vấn

Chào bạn!
Đái dầm, hiểu đơn giản là tình trạng tiểu tiện mất tự chủ trong khi ngủ. Trẻ dưới 5 tuổi vẫn còn đang trong quá trình hoàn thiện chức năng bàng quang, do đó bệnh này không đáng lo ngại. Nhưng nếu trẻ đã lớn, đi học cùng bạn bè mà vẫn còn tình trạng này sẽ làm các em gặp phải khó khăn trong giao tiếp, làm con mất tự tin, dẫn tới căng thẳng và khép mình nếu bị bạn bè trêu trọc quá nhiều.
Rất nhiều bậc phụ huynh mất kiên nhẫn với bệnh đái dầm của con, lâu ngày không khỏi lại mắng mỏ con. Thậm chí nhiều bố mẹ có những biện pháp trừng phạt khiến trẻ nghĩ rằng đó là lỗi do mình. Hiểu nguyên nhân sẽ giúp cha mẹ tìm được phương pháp thích hợp để chữa bệnh cho con.
Nguyên nhân trẻ lớn vẫn đái dầm:
Do di truyền
Nếu cha mẹ mắc đái dầm lúc nhỏ thì sẽ có khoảng hơn 40% con cái sẽ bị đái dầm. Tỷ lệ này có thể lên đến gần 80% nếu cả cha và mẹ đều từng bị bệnh. Và sẽ chỉ có khoảng 15% nếu như cha và mẹ không ai từng mắc bệnh.
Do chức năng bàng quang bị suy giảm
Đây là vấn đề bệnh lý và cần được đi khám. Trẻ có bàng quang nhỏ thường phải đi tiểu nhiều lần hơn bạn cùng trang lứa, khả năng giữ nước tiểu qua đêm cũng kém hơn.
Do nội tiết
Khiến quá trình bài tiết nước tiểu về đêm tăng hơn so với bình thường. Ban đêm, não sản sinh ra hoóc-môn có tên vasopressin giúp giảm lượng nước tiểu sản sinh ban đêm. Cũng chính nó giúp chúng ta ngủ qua đêm mà không phải tiểu tiện. Trẻ có bệnh đái dầm thường tiết không đủ loại hoóc-môn này.
Do yếu tố tâm lý
Trẻ có thể mắc bệnh đái dầm do những chấn thương hoặc biến đổi tâm lý đổi ngột như chuyển nhà, chuyển trường, bố mẹ ly hôn, mất người thân, bị lạm dụng tình dục… Tuy nhiên, những rắc rối về tâm lý không gây đái dầm tiên phát.
Ngoài ra còn do một số tình trạng bệnh lý như thiếu hồng cầu hình liềm, nhiễm trùng đường tiết niệu, bệnh lý thần kinh, bệnh tiểu đường, táo bón…
Biện pháp giúp trẻ:
Khi đã xác định được nguyên nhân thì sẽ tìm được phương pháp điều trị phù hợp, có thể tham khảo một số biện pháp sau:
Không thái độ nặng nề với trẻ
Chính người lớn và các thành viên trong gia đình phải thay đổi cách nghĩ và thái độ khi trẻ đái dầm. Bố mẹ cần nhắc bé rằng đái dầm không phải lỗi của con, cũng có rất nhiều các bạn khác cũng có vấn đề tương tự.
Không được phạt hay mắng mỏ làm con xấu hổ vì mình đái dầm, không làm ầm ĩ khi phát hiện con đái dầm. Phụ huynh cần luôn động viên khích lệ kịp thời khi con ngủ qua đêm mà không đái dầm… Những việc đó tạo cho con tâm lý thoải mái đối phó với bệnh tật.
Sau đó áp dụng một số phương pháp điều trị hành vi như:
Hạn chế đồ uống
Cần tránh cho trẻ uống nước vào buổi tối, nhưng cũng không nên khắt khe quá sẽ khiến con nghĩ mình đang bị trừng phạt và có thái độ tiêu cực.
Đánh thức con vào ban đêm
Phương pháp này chỉ là tạm thời trong khi đợi con tự thoát bệnh đái dầm chứ thực sự không được khoa học. Bởi các chuyên gia cho rằng việc này chỉ làm cho bàng quang tập cách thải ra vào một thời điểm nhất định chứ không thể giúp trẻ nhận thức được việc cần phải đi tiểu vì lúc đó đa số trẻ đều buồn ngủ và trí óc mơ hồ.
Điều trị bàng quang
Cho trẻ học cách uống nhiều nước vào ban ngày, quen với trạng thái bàng quang đầy nước và đi tiểu kiệt mỗi khi đi tiểu. Một số gia đình còn sử dụng đồng hồ báo thức cho trẻ đái dầm với những chức năng chuyên biệt. Trẻ có thể khỏi sau 3 tháng luyện tập.
Trẻ bị chấn thương tâm lý đột ngột dẫn đến bị bệnh có thể sử dụng các biện pháp tâm lý cho phù hợp. Ngoài ra cũng có thể sử dụng một số loại thuốc đặc trị có bán trên thị trường, một số bài thuốc dân gian chữa đái dầm hiệu quả cũng được nhiều cha mẹ sử dụng cho con. Nhưng việc sử dụng thuốc tây dược hay bài thuốc dân dân cũng cần phải có sự tư vấn của các bác sĩ, dược sĩ.
Chúc gia đình bạn sức khỏe!