THẮC MẮC

Tình trạng bệnh viêm gan B của tôi có nặng không?

Chị tôi năm nay 36 tuổi, có điều trị VGB và kết quả HBV DNA âm tính dưỡng ngưỡng từ năm 2012, nhưng vẫn uống Tenofovir cho tới tháng 1/2015 thì bác sĩ cho ngưng thuốc. Vừa qua đi xét nghiệm HBV DNA là 1, 48 x 10^8, GOT:33, GPT: 45, GGT: 28, Bilirubin TP: 9, 2 - Bilirubin TT: 2, 5 - Bilirubin GT: 6, 7. Vậy xin cho hỏi tình trạng bệnh như vậy có nguy hiểm không và cần có hướng điều trị ra sao? Bị VGB mãn tính cần có thói quen sinh hoạt ra sao để có sức khỏem tốt? Xin cảm ơn.

Tư vấn

Chào bạn!
Trước tiên và tình trạng bệnh hiện nay của chị bạn, các chỉ số men gan và bilirubin của chị bạn đều trong giới hạn bình thường, còn với chỉ số HBV DNA như vậy chị bạn cần phải tái khám ở bác sỹ chuyên khoa, kết hợp với lâm sàng của bệnh nhân mới có thể đưa ra được phác đồ điều trị chính xác.
Đối với người bệnh viêm gan B, chế độ sinh hoạt là cực kỳ quan trọng, bởi vì khi cơ thể được chăm sóc tốt, hệ miễn dịch được cải thiện virus sẽ khó có cơ hội bùng lên
Thứ nhất, về chế độ sinh hoạt:
- Bệnh nhân viêm gan B cần có một chế độ sinh hoạt điều độ.
- Họ vẫn có thể làm việc bình thường, cân đối giờ nghỉ ngơi, làm việc trong ngày sao cho thời gian ngủ từ 7 đến 8 tiếng/ ngày là hợp lý.
- Người mắc bênh viêm gan B cũng cần đi kiểm tra sức khỏe thường xuyên định kỳ để nắm rõ tình trạng bệnh của mình, từ đó có biện pháp điều trị kịp thời, phòng ngừa những diễn tiến của bệnh và biến chứng không mong muốn có thể xảy ra.
- Một lưu ý hết sức quan trọng là bệnh nhân viêm gan B cần hạn chế dùng thuốc một cách tối đa vì có nhiều loại thuốc gây độc cho gan như Paracetamol, nếu phải dùng thuốc nên tuân theo chỉ định của bác sĩ, không được tự ý dùng thuốc bừa bãi.
- Bệnh nhân viêm gan B cần tham gia vào những hoạt động nhẹ nhàng, đều đặn và có nhịp điệu- những bài thể dục, vận động phù hợp. Quan trọng hơn cả, cần giữ cho có tinh thần luôn lạc quan, tự tin, vui vẻ. Có như thế, mới có thể chiến thắng với bệnh tật.
Chế độ dinh dưỡng của bênh nhân viêm gan B:
Bệnh nhân mắc bệnh Viêm gan siêu vi B trong những giai đoạn ổn định sẽ có chế độ dinh dưỡng như người khỏe mạnh,cần đa dạng thức ăn và đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng.
Đối với đường: Tăng cường chất bột, đường dễ hấp thu như gạo, đường glucoza, mật ong, các loại quả ngọt, tránh ăn các loại bánh kẹo ngọt nhiều bơ sữa béo, mút, nước ngọt.
Đối với chất béo: Người bệnh gan cần giảm các chất béo, kiêng ăn các món rán, bơ mỡ động vật, thực phẩm có chứa nhiều cholesterol như trứng, nội tạng động vật. Nên dùng dầu thực vật, dầu đậu nành, dầu mè.
Đối với chất đạm: là chất vô cùng quan trọng đối với bênh nhân viêm gan B. Nên dùng 1g protein/kgcơ thể/ngày là hợp lý. Trong đó 50% lượng đạm này do ngũ cốc và rau quả cung cấp nên chỉ cần 50% lấy từ thực phẩm động vật như thịt nạc, thịt gà nạc, cá, trứng, tôm…. hoặc đạm thực vật như đậu phụ, đậu xanh, đậu nành và mỗi ngày nên dùng khoảng 500ml sữa để có đủ vitamin D. Đặc biệt, chất đạm từ cá và sữa bò rất tốt cho người yếu gan vì dễ tiêu hóa. Vì vậy ăn nhiều chất đạm từ nguồn này sẽ giúp bảo vệ gan.
Đối với khoáng chất: là những loại rau củ, hoa quả tươi là nguồn thực phẩm chứa nhiều dinh dưỡng này.
Lưu ý, có 5 loại hoa quả được đánh giá là tốt đối với người mắc bệnh viêm gan B, đó là: nho, cam, táo tàu, đào, sơn tra.
Chúc bạn và gia đình sống khỏe!