THẮC MẮC

Tôi bị ho nhưng không kèm theo sốt

Tôi là nam, 24 tuổi. Khoảng 2 tuần gần đây, tôi bị ho nhưng không kèm theo sốt, khi ho thì có đờm đặc nhưng không đục. Tôi đã đến Trung tâm y tế huyện khám, bác sĩ chỉ định chụp phim X-quang và chẩn đoán tôi bị viêm phế quản cấp. Trong 1 tuần nằm viện điều trị, tôi được chỉ định tiêm Cefotaxim 1mg và Gentamicin 80mg/2ml 2 lần/ngày (cả hai loại) nhưng vẫn không khỏi. Trong và sau khi ho, tôi thấy khó thở, tức ngực, nhiều lúc không thở được. Lúc ho, tôi thấy cơn ho hay bị ngắt quãng, kiểu như "hực..hực..." nhưng lại kéo dài liên tục. Xin hỏi bác sĩ tôi có thể bị bệnh gì? Xin cảm ơn!

Tư vấn

Chào bạn!
Theo như các triệu chứng bạn mô tả, thì tôi nghĩ nhiều đến bạn bị viêm phế quản thể co thắt (khi bị viêm phế quản, nghĩa là toàn bộ đường dẫn khí vào phổi bị viêm nhiễm và chít hẹp do phù nề, co thắt).
Co thắt phế quản có thể do những nguyên nhân chủ yếu sau:
- Dị ứng: Dị ứng với thức ăn, như tôm, cua, ốc...; dị nguyên trong không khí, như bụi, nấm mốc, phấn hoa... Dị ứng là một phần của hệ bảo vệ cơ thể chống lại sự xâm nhập của mọi loại mầm bệnh. Một chất lạ đối với cơ thể con người đều tạo ra những phân tử protein đặc hiệu (gọi là kháng thể) để chống lại chất lạ đó. Kháng thể này sẽ làm cho một số tế bào bạch cầu phóng thích ra các chất trung gian hóa học có tính làm co hẹp các ống phế quản và tăng tiết dịch nhầy gây co thắt.
- Viêm: Viêm là quá trình bảo vệ thông qua hiện tượng tăng sản lượng và tăng vận hành các bạch cầu tới vùng viêm để chiến đấu với yếu tố gây bệnh. Trong phổi, viêm thường do nhiễm khuẩn và có thể khu trú ở từng vùng, hoặc ở toàn bộ phổi, nhưng viêm cũng có thể không do nhiễm khuẩn, như: khói thuốc lá, hơi hóa chất, bụi phấn hoa, bụi nhà. Trong một số trường hợp, hậu quả sau cùng là gây co thắt phế quản cùng với tăng tiết dịch nhầy, phù nề niêm mạc phế quản. Đây là một nguyên nhân phổ biến gây co thắt phế quản.
- Thần kinh: Ở phổi có hai mạng lưới thần kinh: Hệ thần kinh giao cảm giãn nở các cơ phế quản và gây giảm tiết dịch nhầy hệ thần kinh đối giao cảm gây co các cơ phế quản, gây tăng tiết dịch nhầy. Khi hoạt động của hệ đối giao cảm chiếm ưu thế, gây căng các cơ của thành phế quản, gây co thắt phế quản.
Việc điều trị phải tùy thuộc vào căn nguyên gây bệnh. Khi đã có biểu hiện nhiễm khuẩn thì cần điều trị bằng kháng sinh càng sớm càng tốt.
Trường hợp của bạn đã điều trị kháng sinh phổ rộng 1 tuần nhưng không đỡ, bạn cần được làm kháng sinh đồ để đạt được hiệu quả điều trị nhanh nhất. Khi điều trị kháng sinh, cần phải sử dụng đúng liều lượng đã được kê đơn và phải dùng đủ thời gian. Ngoài thuốc kháng sinh, cần phải uống thêm hoặc được khí dung các thuốc giãn phế quản (như ventolin hay salbutamol) và các thuốc làm loãng đờm (như acetylcystein) để tăng cường tác dụng điều trị của kháng sinh. Trong thời gian điều trị kháng sinh kéo dài ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, bạn nên sử dụng men tiêu hóa vi sinh chống loạn khuẩn đường ruột và giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh.
Ngoài ra, bạn cần uống nhiều nước có tác dụng làm loãng đờm dễ long đờm. Chế độ ăn uống bạn cần bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, các vitamin cần thiết cho cơ thể giúp tăng sức để kháng nhanh khỏi bệnh.
Chúc bạn mau khỏi bệnh!