THẮC MẮC

Trào ngược dạ dày chữa thế nào?

Chào Bác sĩ! Em bị bện trào ngược dạ dày. Sáng ngủ dậy hay bị ói, nước ói chua, nếu thức khuya ăn tối là bị. Vậy em phải làm sao?

Tư vấn

Chào em,
Em cho biết em bị bệnh trào ngược dạ dày-thực quản, không biết em bị bệnh đã lâu chưa và đã điều trị bằng thuốc chưa? Biểu hiện ói và nước ói chua lúc sáng ngủ dậy của em là một trong những triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày-thực quản. Việc điều trị căn bệnh này cần tuân thủ theo liệu trình điều trị và tái khám của Bác sĩ chuyên khoa.
Điều trị bệnh thường kết hợp hai loại thuốc. Các thuốc chống tiết axít nhóm ức chế bơm proton thường là lựa chọn đầu tiên trong điều trị bệnh trào ngược dạ dày-thực quản. Những thuốc này có thể gồm: omeprazole (prilosec), lansoprazole (prevacid), rabeprazole (acipHex), pantoprazole (protonix), esomeprazole. Thuốc được uống trong khoảng 4 - 8 tuần. Các thuốc ức chế thụ thể H2 bao gồm famotidine (pepsid), cimetidine (tagamet), ranitidine (zantac), và nizatidine (axid). Có thể kết hợp thuốc ức chế thụ thể H2 với các thuốc chống nôn, tăng cường nhào trộn thức ăn để nhanh chóng đưa thức ăn xuống ruột như metoclopramide (reglan), domperidone (motilium), mosapride (zurma)...
Đối với người có chẩn đoán mắc bệnh trào ngược dạ dày-thực quản, thay đổi chế độ sinh hoạt là rất quan trọng trong việc kiểm soát các triệu chứng của bệnh. Em cần thay đổi tư thế nằm (gối đầu cao khoảng 15cm hoặc kê vai cao 25cm); tránh tư thế cúi lâu, tránh nằm ngửa ngay sau khi ăn và trong khoảng 3 giờ. Ăn nhiều bữa nhỏ, tránh ăn quá no hoặc uống nhiều nước có gas. Tránh ăn uống trong vòng 2 - 3 giờ trước khi ngủ. Em cần giảm các chất kích thích như rượu, bia, cà phê, thuốc lá, sôcôla, tỏi, gia vị cay, cà ri. Không mặc quần áo chật hoặc thắt lưng chật, tránh thừa cân béo phì... Hạn chế ăn chất béo. Tránh thức khuya, tránh căng thẳng.
Chúc em sớm kiểm soát được bệnh!