THẮC MẮC

Trẻ 3 tuổi bị táo bón, sợ đi đại tiện phải chữa thế nào?

Chào Bác sĩ! Con trai em được 38 tháng, cháu bị táo bón đã hơn 1 năm nay. Măc dù đã đi khám và uống các loại thực phẩm bổ sung chất xơ, hỗ trợ táo bón nhưng tình hình không cải thiện hơn. Vì có thể vì cháu bị đau khi đi đại tiện nên tạo thành thói quen sợ đi đại tiện. Mặc dù rất buồn đi đại tiện nhưng khi ra ngồi nhà vệ sinh thì lại không dám rặn vì đau. Nói về thành phần dinh dưỡng trong bữa ăn thì em luôn đảm bảo cháu ăn đầy đủ rau xanh và củ quả. Ngoài ra cháu cũng thích ăn hoa quả (chuối, nước cam, thanh long,..) nhưng không hiểu sao phân của cháu khi đi đại tiện rất rắn và vón thành cục to như phân của người lớn. Vì cháu còn bé nên việc tạo thói quen đi đại tiện và hướng dẫn con đi đại tiện như các Bác sĩ đã dặn rất khó, cháu không chịu tự ngồi bô nên việc chữa trị táo bón rất khó khăn với cháu và gia đình. Mong Bác sĩ tư vấn cho em và gia đình về cách điều trị bệnh táo bón của cháu. Cảm ơn Bác sĩ!

Tư vấn

Chào bạn!
Trường hợp con bạn thường xuyên ăn rau xanh, củ quả,… thì có thể loại trừ nguyên nhân cháu bị táo bón do thiếu chất xơ. Con bạn bị táo bón có thể do một số nguyên nhân sau:
- Táo bón do yếu tố tâm lý: Bé sợ đau nên không muốn đi đại tiện, sau vài lần làm cho đại tràng dãn to vì vậy phân phải tích nhiều ngày mới đủ kích thích đại tràng gây phản xạ đi ngoài. Bé thường đi ngoài phân to như người lớn, phân cứng và khô.
- Bé có bệnh toàn thân: Trẻ còi xương (do trương lực cơ giảm làm cho nhu động ruột kém, phân phải lưu chuyển lâu trong long ruột), trẻ suy dinh dưỡng do biến ăn nên thường ăn ít dẫn đến tình trạng đói phần, mấy ngày trẻ mới đi ngoài 1 lần.
- Bệnh ngoại khoa, tiêu hóa: Dị tật bẩm sinh như phình to đại tràng, hẹp ruột, hẹp hậu môn, nứt kẽ hậu môn.
Không biết bạn đã cho cháu đi khám để loại trừ các bệnh về ngoại khoa, tiêu hóa chưa. Nếu bạn đã loại trừ được nguyên nhân này và nguyên nhân cháu có bệnh toàn thân như kể trên thì tình trạng táo bón của cháu là do tâm lý.
Trong trường hợp này bạn cần cho cháu tăng cường vận động cơ thành bụng và cơ tròn hậu môn bằng cách khuyến khích cháu chạy nhảy, nô đùa, tập thể dục, thể thao. Mặc dù có thể rất khó khăn nhưng bạn nên tập cho bé ngồi bô vào một giờ nhất định trong ngày. Những ngày đầu chưa quen, bé không đại tiện được cũng không sao, cứ kiên trì, đúng giờ cho trẻ ngồi bô (khoảng 10 - 15 phút), sau vài tuần là có thể tạo thành thói quen, phản xạ đi ngoài. Thụt tháo là biện pháp cuối cùng. Bạn có thể thụt tháo cho cháu một vài lần vào giờ cố định để tạo phản xạ đi ngoài. Bạn có thể tư vấn bác sĩ về thuốc làm mềm phân. Tuy nhiên, không nên lạm dụng phương pháp này. Tốt nhất là nên tập cho cháu thói quen vận động và đi vệ sinh đúng giờ.
Chúc bạn và cháu mạnh khỏe!