THẮC MẮC

Trẻ sơ sinh ọc sữa liên tục phải làm thế nào?

Em sinh mổ, bé cân nặng 3,5 kg. Lúc bé được 20 ngày, bé ọc sữa liên tục và bé bị khò khè. Em có đưa bé vào cấp cứu ở bệnh viện Đa khoa Kiên Giang, Bác sĩ chẩn đoán bé bị trào ngược dạ dày và gây ra khò khè và bị viêm phổi. Em cho bé nhập viện để điều trị viêm phổi. Khoảng 10 ngày, Bác sĩ bảo đã điều trị khỏi bệnh viêm phổi. Về nhà, bé vẫn khò khè và ọc sữa. 1 ngày bé bị ọc sữa 1 lần. Có khi ọc sữa lên cả lỗ mũi, làm bé bị ngạt do đờm. Mỗi lần cho bé bú là em cảm thấy hồi hộp và lo lắng lắm. Khi bé ọc sữa, đặt bé ở tư thế như thế nào để bé không ọc sữa lên mũi nữa ạ? Và nếu bé ọc sữa lên mũi, bị ngạt do đờm, cách sơ cứu thế nào? Có cách nào điều trị hết đờm cho bé không? Bé ngủ ít và khó ngủ lắm. Một ngày bé chỉ ngủ 8-9 tiếng thôi. Khi bé ngủ, đờm lên cổ họng làm bé thức giấc. Bé ngủ khoảng 30 phút là bé thức. Buổi tối cho đến sáng, bé ngủ khoảng 3-4 tiếng có khi bé ngủ được 5-6 tiếng. em cũng cho bé bú no. Bé bú 1 lần khoảng 90-120ml, thông thường vào buổi tối, bé bị khò khè nhiều hơn. Bé bú sữa ngoài. Bé bú sữa mẹ rất ít. Rất mong được sự tư vấn của Bác sĩ. em xin cảm ơn.

Tư vấn

Chào bạn.
Bé xuất hiện ọc sữa liên tục sau khi sinh được 20 ngày, chứng tỏ không có nguyên nhân dị dạng thực quản mà chỉ là hiện tượng thường gặp ở trẻ nhỏ. Trẻ em hay bị trớ nhất là khi bú no do tư thế của dạ dày còn đứng thẳng, chưa tạo thành góc gấp và phình hơi phía trên của dạ dày.
Cách khắc phục tình trạng này là bạn không nên cho trẻ bú quá no, mà cho bé bú thành nhiều bữa, không nên cho con bú ở tư thế mẹ nằm; vì trẻ con có khi phàm ăn bú no đến đầy dạ dày, có khi thức ăn còn chứa tới tận thực quản nó mới thôi bú làm cho rât dễ bị trớ. Đồng thời khi bú xong phải giữ nguyên tư thế đang bú khoảng 15 phút để cho sữa tiêu bớt mới đặt trẻ nằm hoặc thay đổi tư thế khác.
Đối với trẻ hay bị ọc sữa, cần chú ý đặc biệt đến tư thế bú: Mẹ ngồi trên giường hoặc ghế vừa đủ cao để 2 chân chạm đến đất vững chắc, không để bé ngửa hẳn hoặc úp hẳn vào lòng mẹ, người trẻ nghiêng khoảng 30 độ (nghiêng hơn trẻ bình thường), cho bú vú phải trước và thôi bú ở vú bên trái và giữ nguyên ở tư thế này từ 10 -15 phút mới thay đổi tư thế khác.
Con bạn bú sữa ngoài, bạn chú ý giữ bình sữa nghiêng hợp lý không quá đứng làm trẻ bú nhanh hoặc nằm ngang làm trẻ bú cả hơi khí vào trong bụng, chọn núm vú cao su có lỗ nhỏ làm trẻ bú chậm hơn, khi bú nương nhẹ không ấn mạnh vào miệng làm sữa xuống nhanh hơn.
Trẻ khò khè đờm, có thể là bệnh phổi của bé chưa khỏi hẳn bạn có thể cho bé đi khám bệnh hoặc uống thuốc làm long đờm như Mitux…, các loại siro an thần…
Chúc bạn nuôi con mạnh khỏe.