THẮC MẮC

Trị chứng ngáy khi ngủ

Chào Bác sĩ. Chồng tôi mắc chứng ngáy khi ngủ. Trong khi đó, tôi thì không thể ngủ được nếu có âm thanh xung quanh. Làm sao để trị dứt điểm được chứng này của chồng tôi? Cám ơn Bác sĩ!

Tư vấn

Chào bạn!
Ngủ ngáy là tình trạng khi người ngủ hít thở, một lượng khí vào, nhưng do đi qua một vùng hẹp hơn làm các niêm mạc mô xung quanh rung lên tạo nên một loại âm thanh mà người ta gọi đó là ngáy. Vùng hẹp đó có thể ở vùng mũi, miệng hoặc là họng. Những âm thanh này thường gây khó chịu cho những người xung quanh, tuy nhiên người ngủ ngáy lại thường không nghe và biết việc đó.
Ngủ ngáy vì nhiều nguyên nhân như do mắc bệnh dị ứng, amiđan quá phát, viêm mũi dị ứng, viêm xoang, vách ngăn mũi bị lệch, vách ngăn mũi dày... hoặc do những dị dạng bẩm sinh như cổ họng hẹp, cuống lưỡi to, cuống họng dài, ngoài ra ngáy ngủ còn do uống rượu say ngủ mê mệt, cơ thể quá béo khiến mỡ bám dày cổ họng và hút thuốc lá nhiều khiến khói ám làm cổ họng hẹp đi. Cũng có thể là do di truyền.
Người ngáy thường có nguy cơ ngưng thở khi ngủ do các phần mềm và niêm mạc của cuống họng làm nghẹt khí quản, hai lá phổi và não bị thiếu dưỡng khí. Khi đó, não sẽ phát ra tín hiệu làm giãn nở cuống họng và khí quản, làm cho quá trình hô hấp trở lại bình thường. Nếu những rối loạn diễn ra liên tục sẽ gây ra chứng ngưng thở khi ngủ, khiến giấc ngủ không ngon và thời kỳ ngủ say bị ngắt quãng. Hậu quả là bộ não không nghỉ ngơi hoàn toàn sau một ngày hoạt động, khiến người bệnh trở nên mệt mỏi, giảm năng suất làm việc, không tập trung, lâu dần sẽ suy giảm trí nhớ. Ngoài ra, bệnh ngáy ngủ còn dẫn đến nhiều nguy cơ mắc các chứng bệnh khác như huyết áp cao, suy giảm khả năng tình dục, bệnh nhồi máu cơ tim, tim loạn nhịp hoặc bệnh đột tử trong khi ngủ.
Chồng bạn có thể áp dụng các cách trị liệu triệu chứng ngáy ngủ như:
- Thông dụng nhất được áp dụng ở các gia đình là người nhà giúp người mắc bệnh thay đổi tư thế ngủ, từ nằm ngửa chuyển sang nằm nghiêng, giữ cho đầu cao để dễ thở hơn.
- Giảm cân nếu bị béo phì.
- Không nên dùng thuốc an thần hoặc bất cứ loại thuốc nào làm cho các cơ bắp trong cuống họng chùng xuống.
- Hãy ăn tối ít nhất 2 giờ trước khi đi ngủ sẽ đảm bảo quá trình tiêu hóa diễn ra tốt khi chồng bạn còn thức, từ đó đem lại giấc ngủ ngon. Không uống rượu trước khi đi ngủ. Bỏ hút thuốc lá. Uống nước sẽ ngăn chặn tình trạng ngủ ngáy do tắc nghẽn vì ít chất nhầy trong mũi.
- Đi ngủ theo giờ giấc đều đặn. Tăng độ ẩm không khí trong phòng ngủ.
Nếu chồng bạn đã áp dụng những cách trên mà vẫn không thấy tiến triển thì có thể đến gặp bác sĩ để được khám và điều trị cho chồng bạn bằng một số phương pháp khác như: phác đồ pillar (cấy vào cùng một vùng trên hàm ếch (trong miệng) 3 sợi chỉ que có độ cứng và dài khoảng hơn 1 cm (được làm từ chất liệu dùng để khâu thành mạch tim nên khi đưa vào cơ thể không gây phản ứng phụ). Việc ghim 3 “que chỉ” này giúp cho hàm ếch căng và cứng hơn, giảm được độ rung làm cho bệnh nhân dễ hít thở hơn và không phát ra tiếng ngáy trong khi ngủ). Hoặc tiến hành phẫu thuật giải quyết nguyên nhân vách ngăn mũi bị lệch, amidan quá to để tăng cường lưu thông đường hô hấp.
Chúc hai bạn sức khỏe!