THẮC MẮC

Triệu chứng bệnh Tiểu đường

Các triệu chứng của bệnh tiểu đường? Cách phòng tránh như thế nào? Xin cảm ơn.

Tư vấn

Bệnh tiểu đường là một nhóm bệnh rối loạn chuyển hóa cacbohydrat khi hoóc môn insulin của tụy bị thiếu hay giảm tác động trong cơ thể, biểu hiện bằng mức đường trong máu luôn cao; trong giai đoạn mới phát thường làm bệnh nhân đi tiểu nhiều, tiểu ban đêm và do đó làm khát nước. Bệnh tiểu đường là một trong những nguyên nhân chính của nhiều bệnh hiểm nghèo, điển hình là bệnh tim mạch vành, tai biến mạch máu não, mù mắt, suy thận, liệt dương, hoại thư.
Khi người bệnh bị bệnh tiểu đường thường có các biểu hiện sau:
Thứ nhất, người bệnh thường khát nước quá mức bình thường, khô miệng ngay cả sau khi uống nước.
Thứ hai, họ thường xuyên đi tiểu và thường đi ngay sau khi uống nước khoảng 15-20 phút.
Thứ ba, Ăn nhiều, do đường mất đi qua nước tiểu, cộng với việc sử dụng đường gặp trở ngại nên năng lượng và nhiệt lượng trong cơ thể thiếu hụt dẫn tới đói bụng thèm ăn. Ăn nhiều thì lượng đường lai cao, đường tiết ra theo nước tiểu cũng tăng.
Thứ tư, Gầy nhiều, Người bệnh giảm cân bất thường và kèm theo mệt mỏi. Điều này có thể là do các vấn đề khác như tăng hoặc giảm hoạt động của tuyến giáp, vì vậy điều quan trọng là phải đến cơ sở y tế xét nghiệm máu để xác định nguyên nhân.
Thứ năm, Mờ mắt. Đây là một vấn đề cần được quan tâm cẩn thận do nhiều người được chẩn đoán bị bệnh tiểu đường ngay sau khi họ gặp vấn đề với tầm nhìn. Tiểu đường có thể gây ra mù tạm thời, đôi khi là mù vĩnh viễn.
Thứ sáu, Chậm hồi phục từ các vết thương. Một số người sẽ thấy rằng họ dễ dàng bị thâm tím, loét hoặc tổn thương da khi va chạm nhẹ và thường thì các vết thương này lâu lành.
Ngoài ra người bệnh có thể Nhiễm trùng âm đạo ở phụ nữ và nhiễm trùng nấm men ở nam giới hoặc biểu hiện da khô, ngứa.
Để phòng tránh bệnh tiểu đường tube 2 và ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm xảy ra, người bệnh nên có một lối sống khoa học: ăn đủ bữa, không ăn nhiều những loại thức ăn dễ làm tăng lượng đường trong máu: cơm, đồ ăn nhiều dầu mỡ, bánh, kẹo..Có chế độ dinh dưỡng hợp lý nên ăn đạm thực vật dễ tiêu, bổ xung các chất khoáng: sắt, canxi, kẽm, magie..., bổ xung các vitamin nhóm B, A, E, ...và các chất chống oxi hóa như betacaroten, chlorophyll, phycocyanin...
Cân bằng chế độ dinh dưỡng: Ăn đa dạng các loại thức ăn, thực hiện chế độ ăn với nhiều rau xanh và các loại hoa quả. Tuyệt đối không nên bỏ bất cứ bữa nào trong ngày đặc biệt là bữa sáng. Không nên ăn quá no hoặc quá đói, ăn chậm, hạn chế ăn ngấu nghiến thức ăn làm cho lượng thức ăn đưa vào cơ thẻ một lúc quá nhiều khiến lượng đường trong máu tăng cao một cách bất thường. Hiện tượng kéo dài sẽ có nguy cơ cao mắc tiểu đường.
Mỗi ngày nên ngủ đủ giấc ít nhất từ 6 đến 8 tiếng vào ban đêm, thường xuyên ngủ đúng giờ sẽ giảm nguy cơ mắc tiểu đường.
Tập thể dục thường xuyên giúp tiêu thụ calo thừa của cơ thể , giúp cho insulin hoạt động một cách trơn tru hơn và việc tiết insulin diễn ra một cách đều đặn giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Hơn nữa tập thể dục đều đặn khoảng 30 phút mỗi ngày cũng giúp bạn kiểm soát cân nặng, tránh tình trạng béo phì. Béo phì là một trong những nguyên nhân thường gặp gây bệnh tiểu đường typ 2.
Nếu bạn ngoài tuổi 45 thì nên thường xuyên kiểm tra huyết áp, để kiểm soát huyết áp ở mức độ cho phép, giúp giảm nguy cơ mắc tiểu đường.
Nếu thấy một số triệu chứng bất thường như: khát nước, tiểu nhiều, đói cùng cực, hay mệt mỏi, buồn nôn, tê tay chân… thì nên đến các cơ sở y tế để kiểm tra, phát hiện bệnh sớm từ để điều trị kịp thời.